Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu sang Mỹ và những thị trường nhỏ đang hồi phục rất mạnh mẽ thì xuất khẩu vào thị trường EU liên tục giảm.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang tăng khoảng 170%, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường Mexico, Brazil, Thái Lan, Colombia đều đạt mức tăng trưởng 3 con số từ 100 – 450% thì xuất khẩu sang EU giảm tới 21% so với năm 2020. Điều này khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU kéo dài chuỗi tăng trưởng âm suốt hai năm trở lại đây.
Những tháng đầu năm 2021 giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường EU vẫn dao động xung quanh mức 2,35 USD/kg, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các khách hàng nhập khẩu yêu cầu mua hàng chất lượng cao hơn nhưng giá thấp hơn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khó có thể tiếp tục duy trì doanh thu, thị phần ở thị trường này.
Tính tới cuối tháng 5/2021, đã có 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam “thoái” lui khỏi thị trường EU. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường EU phản ánh rằng, trong nửa đầu năm 2021, nhiều nhà nhập khẩu cho biết họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng; trong đó, có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistic, chi phí vận chuyển... tăng đáng kể. Nhiều khách hàng EU đã chủ động đề nghị được giảm mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký hoặc sắp sửa ký.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, để giữ được mức giá xuất khẩu sang EU ổn định so với cùng kỳ năm 2020 là một cố gắng không nhỏ vì từ đầu năm nay, chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng, chế biến đã tăng mạnh.
Theo đó, giá nguyên liệu vật tư tăng từ 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy như găng tay, nhựa, bao bì, băng keo... tăng từ 5-25%; giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15-20%, chưa kể cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần so với trước. Do vậy, hầu hết nhà chế biến cá tra không chấp nhận đề nghị giảm giá từ khách EU sẽ “bỏ cuộc”, lặng lẽ chuyển hướng sang các thị trường khác.
Theo số liệu của các nhà phân tích thị trường thủy sản quốc tế, dự kiến sản lượng cá thịt trắng nuôi và khai thác tự nhiên năm 2021 đạt 13 triệu tấn, tăng 3,7%, tức là tăng hơn 700.000 tấn so với năm 2020; trong đó, sản lượng cá tra, cá rô phi và cá Alaska pollock đạt mức cao nhất trong nhóm cá thịt trắng. EU đang là khu vực nhập khẩu cá thịt trắng lớn nhất thế giới nhưng giá trị nhập khẩu nửa đầu năm 2021 đã giảm đáng kể, khoảng 16,7% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng, để có thể cải thiện kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường EU thời gan tới, cần phải giải được bài toán chi phí sản xuất như: giảm giá thức ăn thủy sản, giảm giá các nguyên liệu phục vụ chế biến; đồng thời, tháo gỡ được nút thắt về vấn đề giá cước vận tải biển cũng như tình trạng thiếu container như hiện nay.