Xuất huyết tiêu hóa nặng do loét dạ dày ở trẻ mắc COVID-19
Đơn cử trường hợp bệnh nhi N.T.L (13 tuổi, nữ, Cần Thơ) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) trong tình trạng lờ đờ, da niêm nhợt nhạt, mạch nhẹ chi mát lạnh, nhịp tim nhanh 130 lần/phút, huyết áp tụt, ói ra máu đỏ tươi, tiêu phân đen.
Chỉ số hồng cầu trong máu rất thấp. Các xét nghiệm SARS-CoV-2 qua test nhanh và PCR đều cho kết quả dương tính.
Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 5 ngày, ngày 1-3 sốt, đau họng, ngày 4-5 trẻ bớt sốt, đau bụng vùng thượng vị, nôn ra máu nên nhập viện địa phương sơ cứu, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tiền sử không ghi nhận đau bụng hay viêm loét dạ dày trước đó.
Bệnh nhi T.L được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa nặng nghi do viêm loét dạ dày tá tràng trên nền nhiễm COVID-19. Trẻ được xử trí hỗ trợ hô hấp, truyền dịch chống sốc, truyền máu 1.200ml, huyết tương tươi đông lạnh 300ml, tiểu cầu đậm đặc 6 đơn vị, điều chỉnh rối loạn điện giải toan kiềm.
Hội chẩn khoa tiêu hóa, ngoại khoa, tiến hành nội soi cấp cứu ghi nhận ổ loét chảy máu rỉ rả ở vùng tâm vị, phình vị của dạ dày nên được tiến hành cầm máu vị trí chảy máu ổ loét tâm vị phình vị bằng adrenaline.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp, được thở máy, sử dụng thuốc kháng virus, thuốc giảm tiết dịch vị, kháng sinh. Kết quả sau 1 tuần điều trị, trẻ cai được máy thở, tỉnh táo, không ói, uống được sữa, tiêu phân vàng, kết quả RT PCR SARS-CoV-2 âm tính sau 14 ngày.
Lưu ý khi trẻ sốt kèm ói, đau bụng tiêu chảy
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 không chỉ xâm nhập vào tế bào đường hô hấp thông qua thụ thể men chuyển 2 (ACE2) mà còn xâm nhập vào tế bào đường tiêu hóa.
Nguyên nhân là do thụ thể ACE2 không chỉ biểu hiện ở các mô đường hô hấp, tim mạch, gan, thận, tụy, mà cũng có nhiều trong hệ thống đường tiêu hóa gồm thực quản, dạ dày, tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng, manh tràng và ruột già. Việc này làm cho virus SARS-CoV-2 có thể tấn công đường tiêu hóa gây viêm loét xuất huyết, cũng như gây mất cân bằng nội môi đường tiêu hóa đặc biệt là hệ vi sinh đường ruột, gây triệu chứng nôn ói, đau bụng, đầy hơi, táo bón, xuất huyết tiêu hóa.
"Phụ huynh lưu ý khi trẻ sốt kèm ói, đau bụng tiêu chảy… đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chính xác và điều trị thích hợp"- bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.