Xuất hiện ‘tiến sĩ siêu lừa’, giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng

24/11/2023 07:07

Một người sử dụng bằng cấp tiến sĩ không có trong hồ sơ dữ liệu với tên N.T.H. đã tham gia giảng dạy ở một số trường đại học, cao đẳng

Xuất hiện tiến sĩ siêu lừa, giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng - 1

Một bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không đúng (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Bằng tiến sĩ không đúng 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho biết hồi tháng 10 vừa qua, đơn vị này đã xác định một trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy tại trường.

Bằng tiến sĩ có tên N.T.H. (SN 13/08/1981), ngành khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Ông này cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tin học, cấp năm 2010.

Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hồi đầu tháng 9 năm nay, ông N.T.H. được Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam nhận vào làm theo diện thử việc.

Sau đó, vào ngày 18/9, ông N.T.H. được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho hay: "Ông N.T.H. khoe đã giảng dạy thạc sĩ ở nhiều trường, trong đó có cả trường ở Nha Trang. Khi nộp hồ sơ tuyển dụng, ông H. nộp bằng có công chứng nên nhà trường rất khó để xác minh tính chính xác của bằng cấp".

Sau khi nhận được một số thông tin phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H. vào tháng 10, nhà trường đã tiến hành xác minh.

"Chúng tôi đã gửi nguyên bản công chứng bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. sang Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để xác minh. Kết quả là không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên", lãnh đạo trường cho hay.

Theo vị lãnh đạo, nhà trường đã gọi ông H. lên làm việc song ông vẫn khẳng định bằng cấp là đúng. Trường yêu cầu ông H. về Trường Đại học Khoa học Tự nhiên để làm việc và nộp lại kết quả xác minh. Tuy nhiên, sau đó, ông H. gửi đơn xin nghỉ việc vào đầu tháng 11 này, với lý do bận việc gia đình.

"Ông H. nói rằng rất buồn vì đã nhận ông vào làm việc mà lại không tin tưởng bằng cấp của ông ấy. Sau đó, ông ấy nộp đơn nghỉ việc và chúng tôi không thể liên lạc được với ông Hải nữa. Điện thoại đã tắt máy", lãnh đạo trường cho hay.

Quá trình làm việc tại trường, với vai trò là trưởng khoa, ông N.T.H. đã đứng lớp giảng dạy cho sinh viên một số tiết học.

Do sự việc phát hiện trong thời gian ngắn nên nhà trường cho rằng quá trình đào tạo của các em sinh viên cũng không bị ảnh hưởng gì cả bởi sự việc này, vì ông H. cũng chưa được giao học phần.

Phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cũng xác nhận văn bằng tiến sĩ của N.T.H. nêu trên không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường.

Đã từng "lừa" một số trường đại học?

Lãnh đạo một trường đại học tại TPHCM cho biết từng nhận được một bộ hồ sơ ứng tuyển vị trí trưởng khoa khoa học máy tính cũng với tên N.T.H. (SN 13/08/1981), ngành khoa học máy tính (số hiệu văn bằng QH: 0220018000xx, được ghi cấp ngày 15/9/2022).

Theo vị này, thông tin bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. nộp vào Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam chỉ khác với thông tin nộp về trường đại học này về số hiệu và năm cấp, còn tên tuổi và người thì khá giống nhau.

Xuất hiện tiến sĩ siêu lừa, giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng - 2

Số quả tra cứu số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx mang tên Lê Trọng N. chứ không phải N.T.H. (Nguồn: Tra cứu văn bằng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM).

"Khi nhận hồ sơ của vị này, chúng tôi tiến hành xác minh ngay vì nghi ngờ thông tin đúng. Ngành này không có quá nhiều chuyên gia mà đội ngũ nhân sự của trường tôi không hề biết đến vị "tiến sĩ N.T.H." này nên anh em đặt dấu hỏi chấm ngay", vị này cho hay.

Theo lãnh đạo đơn vị này, nhà trường cũng đã tra cứu văn bằng số hiệu QH: 22086798528xx mà ông H. nộp về thì hiển thị tên người khác.

"Ông ấy tự "quảng cáo" đã đi dạy nhiều lớp sau đại học tại trường đại học nổi tiếng. Ông còn gửi ảnh cho chúng tôi xem. Rất may là hội đồng tuyển dụng bên chúng tôi đã phát hiện sớm vấn đề này nên từ chối nhận", đại diện một trường đại học tại TPHCM.

Một lãnh đạo trường khác cũng nói ông này từng vào dạy 2 ngày thì bị nhà trường phát hiện bằng cấp không đúng nên nghỉ việc.

Đến nay, có đến 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM đã xác nhận với phóng viên việc từng được ông H. đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện vấn đề bằng cấp thì ông N.T.H. đều cắt đứt các liên lạc với nhà trường.

Phóng viên Dân trí đã nhiều lần liên hệ số điện thoại 0983064xxx mà ông H. dùng để đi xin việc tại trường đại học, cao đẳng. Có lần, ông H. bắt máy nhưng sau khi nghe giới thiệu là phóng viên báo gọi điện xác minh thông tin thì lập tức tắt máy.

Lần khác, người nghe máy cho hay phóng viên gọi nhầm số, số điện thoại này không phải người tên N.T.H. mà tên là Thắng.

Sau khi phóng viên chất vấn số điện thoại này đang được sử dụng trên Zalo với hình ảnh bìa và ảnh đại diện là ông N.T.H., người này cho hay không dùng số Zalo. Tuy nhiên, chỉ 1 phút sau, các hình ảnh được cho là của TS N.T.H. đã biến mất trên Zalo của số điện thoại trên.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Xuất hiện ‘tiến sĩ siêu lừa’, giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO