Xuất hiện nhiều chùm ca bệnh truyền nhiễm

Lệ Hà| 11/03/2024 12:01

Thời tiết các tỉnh phía Bắc đang trải qua thời điểm giao mùa, ban ngày sương mù dày đặc, nhất là vào sáng sớm, kèm theo hiện tượng nồm ẩm. Dạng thời tiết này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây bệnh, một số bệnh như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... đã xuất hiện những ổ dịch, chùm ca bệnh.

Xuất hiện nhiều chùm ca bệnh truyền nhiễm
Tiêm vaccine đầy đủ phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Ảnh: Lệ Hà

Gia tăng chùm ca bệnh

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 125 trẻ mắc tay chân miệng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo thêm nhiều ca bệnh, ổ dịch thời gian tới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, tuần qua (4 - 10.3), Thành phố ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 19 ca so với tuần trước.

Cùng với tay chân miệng, theo báo cáo của CDC Hà Nội, tuần qua cũng ghi nhận 27 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 5 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 147 trường hợp mắc thủy đậu (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).

Cũng theo CDC Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 10.3, địa bàn Thủ đô đã ghi nhận 9 ca mắc bệnh ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh. Đáng lưu ý, qua khai thác bệnh án, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.

CDC Hà Nội đánh giá, thời tiết mùa đông - xuân là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... Dự báo thời gian tới, thành phố có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.

Dự báo, có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người dân cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm; giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên; không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm; thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần.

Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, thời tiết mưa lạnh, độ ẩm cao khiến gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ. Điều đáng nói là không ít phụ huynh chủ quan, xem nhẹ những triệu chứng ban đầu, tự mua thuốc điều trị… khiến nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng. Ngoài các bệnh lý về đường hô hấp, cúm mùa, các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thời điểm này là sởi, thủy đậu...

Như bệnh ho gà, cho tới nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau từ 1-2 tuần. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Bên cạnh việc tiêm phòng cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày.

Phụ huynh hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh ho gà.

"Cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát. Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch; Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu", Bác sĩ Bùi Thu Phương khuyến cáo.CDC Hà Nội cũng đề nghị, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu..., đặc biệt là tại các trạm y tế, các trường mầm non, tiểu học. Tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, ổ dịch.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xuất hiện nhiều chùm ca bệnh truyền nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO