Khả năng bảo vệ của vaccine khi chỉ tiêm liều cơ bản
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19.
Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Nói về khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, đại diện Bộ Y tế cho biết: Người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể. Trong tuần từ 23-29.5, so với tuần trước đó: tổng số ca mắc mới tại khu vực Châu Mỹ tăng 9%, khu vực Trung Đông tăng 1%; tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực Châu Phi tăng 15%, khu vực Châu Mỹ tăng 13%.
Những con số này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được chú trọng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.
Hội chứng hậu COVID-19 là một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Hậu COVID-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da...trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh.
Theo thông báo trong tháng 6.2022 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu COVID-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu COVID-19.
Hiệu quả của liều tiêm nhắc lại
Theo đại diện Bộ Y tế, tiêm mũi nhắc vaccine COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19.
"Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2"- đại diện Bộ Y tế cho hay.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23.6.2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.