Xử trí thế nào với các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ em?

Thiều Trang| 25/03/2022 15:08

Theo các bác sĩ, phương pháp điều trị hậu COVID-19 chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng. Đặc biệt, khi có các triệu chứng bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ để nhận hỗ trợ.

Xử trí thế nào với các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ em?
Bác sĩ trả lời tất tần tật về hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em. Ảnh: LĐO

Phòng hậu COVID-19, sau khi khỏi bệnh cần làm gì?

Trao đổi với Báo Lao Động, bác sĩ Nhi khoa Hà Đình Bổng - thành viên hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết, sau khi khỏi COVID-19, người bệnh nên tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện để phục hồi chức năng, tập vật lý trị liệu, đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần giấc ngủ.

Theo đó, ở trẻ em, tùy theo lứa tuổi nên lựa chọn môn thể thao và mức độ vận động phù hợp.

Về chế độ dinh dưỡng, với trẻ dưới 6 tháng tuổi chế độ ăn quan trọng nhất là sữa mẹ. Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi nên chia nhỏ bữa ăn, ăn từ loãng tăng dần lên rắn, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

Cụ thể:

Lipid: cân bằng cả mỡ động vật (dầu gan cá, các loại cá biển...) và dầu thực vật (đậu nành, đậu phộng, dầu gấc, dầu oliu...) trong khẩu phần ăn của trẻ nhỏ.

Vitamin tan trong dầu (A, D, E, K): gan, trứng, cá, sữa, bông cải xanh, củ quả và rau có màu xanh/ vàng,... Tắm nắng 30 phút vào 7-9 giờ sáng (tùy mùa, tránh nắng gắt) giúp trẻ tổng hợp vitamin D hoạt động.

Vitamin nhóm B: thịt, trứng, cá, nấm, ngũ cốc, bơ, sữa chua...

Vitamin C: ớt chuông, quả kiwi, dâu tây, bông cải xanh, đu đủ, khoai tây...

Các yếu tố vi lượng: sắt (gan, thịt đỏ, các loại đậu...); canxi (tôm, cua, cá, đậu nành, sữa và sản phẩm từ sữa...); kẽm (thịt đỏ, động vật có vỏ, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, hạt họ đậu...).

Ngoài ra, cần chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách ngủ đủ giấc, nghe nhạc thư giãn và trao đổi thông tin giao tiếp với những người xung quanh. Với trẻ cần dành thời gian chơi đùa với trẻ, kể chuyện cho trẻ nghe, tập thói quen ngủ theo giờ...

Giải pháp cho một số vấn đề trẻ có thể gặp phải

Trẻ quấy khóc, không chịu ngủ, ngủ ít

Theo bác sĩ Hà Bổng, cha mẹ nên giúp trẻ nhận biết ngày đêm, điều chỉnh đồng hồ sinh học, áp dụng nguyên tắc “nhiều ánh sáng và tiếng động vào ban ngày, yên lặng vào ban đêm".

Bên cạnh đó, vui chơi với trẻ vào ban ngày, hạn chế để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày. Massage da trẻ với tinh dầu hoặc kể chuyện hát ru cho trẻ nghe trước khi bắt đầu ngủ. Đồng thời, tạo cho con môi trường ngủ thật thoải mái như ngủ trong phòng tối, nếu sử dụng đèn ngủ nên chọn đèn ngủ ánh sáng đỏ hoặc cam và hạn chế âm thanh xung quanh.

Ban ngoài da

Bác sĩ Hà Bổng cho biết, ban COVID-19 lành tính có thể chữa tại nhà. Theo đó, ban thường xuất hiện khi nhiễm nCoV hoặc trong 2 tuần đầu sau khi âm tính. Ban xuất hiện độc lập không kèm theo các biểu hiện bất thường khác. Trẻ tỉnh táo, ăn uống và chơi bình thường.

Giải pháp với ban COVID-19 lành tính là chườm lạnh vùng ngứa (không nên áp dụng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gây hạ thân nhiệt). Tắm trong dung dịch bột yến mạch giúp giảm ngứa và kích thích da. Đồng thời, sử dụng các loại thuốc không kê đơn như kem hydrocortisone và lotion chứa thành phần calamine; siro aerius chứa hoạt chất desloratadine giúp giảm ngứa và khó chịu.

Ho, sổ mũi, ngạt mũi

Ho khan từng cơn: giải pháp là không ăn uống đồ quá nóng, lạnh, cay. Súc miệng họng và xịt rửa mũi 2-3 lần mỗi ngày. Sử dụng các loại thuốc giảm ho như glycerol, mật ong (không dùng cho trẻ sơ sinh), siro đường mía, benzonatat, bạc hà, codein (không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi), methorphan (không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi), prospan.

Ho có đờm: giải pháp là trẻ nhỏ cho ti mẹ nhiều hơn, trẻ lớn uống nhiều nước. Đồng thời sử dụng các thuốc long đờm như: N-Acetylcystein, Bromhexin... và vỗ rung cho trẻ.

Sổ mũi, ngạt mũi: giải pháp là hút dịch mũi bằng dụng cụ. Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý (ngâm lọ nước muối vào chậu nước ấm trước khi nhỏ rửa cho bé), xịt rửa vệ sinh mũi.

Theo bác sĩ Nhi khoa Hà Đình Bổng, khi nghi ngờ trẻ có triệu chứng bất thường, đặc biệt là các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng, phụ huynh cần hỏi ý kiến từ các bác sĩ Nhi khoa để được thăm khám và loại trừ các bệnh khác có thể gặp ở trẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xử trí thế nào với các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ em?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO