Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trước và sau khi tiêm
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh- Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn, uống đầy đủ trước và sau khi tiêm.
Tuyệt đối không để trẻ tiêm vaccine trong tình trạng đói hay quá no. Cùng với đó, không nên cho trẻ uống những loại nước có ga, cồn, chất kích thích, caffein như nước ngọt, nước tăng lực... trước và sau ngày tiêm chủng vì những chất này có thể gây tim đập nhanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Bổ sung nước là bước quan trọng không thể bỏ qua. Theo các bác sĩ, cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vaccine. Có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vaccine; không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mãn tính mà trẻ đang uống theo đơn bác sĩ.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh có loại thực phẩm nào kháng thuốc hay làm giảm dược lực của vaccine. Vậy nên phụ huynh nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trước và sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trẻ không cần thiết phải kiêng khem bất cứ loại thực phẩm nào trừ những thực phẩm khiến trẻ bị dị ứng trước đây. Tuy nhiên, phụ huynh nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh, đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 loại dưỡng chất chính đó là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất.
Sau khi tiêm vaccine, phụ huynh nên cho con uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ, mặc đồ thoáng mát rộng rãi, tránh để trẻ bị cảm lạnh, hạn chế vận động chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm vaccine. Tiến hành kiểm tra nhiệt độ cho trẻ 3-4 tiếng/ lần.
Cần chú ý từ những bất thường, những biểu hiện nhỏ nhất của trẻ
Ngay sau tiêm là khoảng thời gian quan trọng nhất vì đây là thời điểm các phản ứng xấu thường xuất hiện. Tuy nhiên, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau khi tiêm với sự giám sát của đội ngũ y tế có chuyên môn.
Phụ huynh cần theo dõi sát sao trẻ trong vòng 3 ngày sau tiêm. Cần chú ý từ những bất thường, những biểu hiện nhỏ nhất của trẻ để có thể đưa ra hướng chăm sóc và điều trị kịp thời.
Hiện tượng sốt và đau tại chỗ tiêm là phản ứng phổ biến nhất mà trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Phụ huynh không cần quá lo lắng về các triệu chứng này.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, phụ huynh không cần lo lắng vì các phản ứng tại vết tiêm như chai cứng, nổi u cục, phát ban, đau nhức... sẽ tự biến mất sau khoảng một thời gian mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
Còn nếu như trẻ có gặp các triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần.
Tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm
Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở khi hoạt động bình thường và khi nằm, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, vân tím và phát ban trên da thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Theo Bộ Y tế, loại vaccine sử dụng tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna, tiêm các liều cơ bản cùng loại vaccine. Đối với mũi 2 dự kiến tiêm cho trẻ trong vòng 14 ngày, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.