LỜI TÒA SOẠN
Trong Thông tư 04/2022, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, hoàn thành trước tháng 7/2023. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ yêu cầu khi nào phải xóa sổ đơn thuốc viết tay, vì thế hiện không ít cơ sở y tế từ tuyến trung ương tới xã, phường, y tế tư nhân, vẫn còn tình trạng đơn thuốc được bác sĩ kê bằng tay, thay vì in đơn điện tử. Đáng nói nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ, thậm chí bác sĩ bị làm khó, "bó tay" vì… không dịch được chữ bác sĩ.
Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kê đơn, chỉ định kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh và Quỹ BHYT.
Từ thực tế trải nghiệm đi khám chữa bệnh, nhiều độc giả gửi về VietNamNet nỗi bức xúc khi phải luận dịch chữ bác sĩ và những băn khoăn về việc vì sao vẫn còn tình trạng này trong khi nơi nơi đã ứng dụng chuyển đổi số.
VietNamNet đăng tải các ý kiến thể hiện góc nhìn cá nhân độc giả qua diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay".
Bài 1: Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc
Bài 2: Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu
Bài 3: 'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'
Bài 4: Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'
Phạt 2 triệu đồng nếu không ghi đơn thuốc đầy đủ, rõ ràng
Theo quy định của Bộ Y tế trong Thông tư 27/2021/TT-BYT về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, Thông tư 04/2022 (sửa đổi bổ sung Thông tư 27/2021 và một số thông tư khác của Bộ Y tế), từ tháng 1/7/2023, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước (từ trạm y tế cấp xã đến trung ương, y tế tư nhân) đều phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Riêng với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải thực hiện việc này từ đầu năm 2023.
Điều này có nghĩa là từ tháng 1/7/2023, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế xã, phòng khám tư nhân nhỏ lẻ… đến bệnh viện tuyến trung ương không còn được phép kê đơn thuốc bằng chữ viết tay.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng kê đơn thuốc bằng ghi tay, chưa nói đến việc kê đơn thuốc với chữ viết không dịch nổi, vẫn xảy ra tại không ít cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tuyến y tế công lập và khối tư nhân.
Theo điểm a, khoản 1 Điều 41 Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án các thông tin về tên thuốc, số lượng, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng thuốc khi kê đơn thuốc theo quy định của pháp luật”.
Nhiều bác sĩ hay các nhà quản lý hành nghề y cho rằng hiện chưa có quy định nào phạt bác sĩ viết chữ xấu trên đơn thuốc. Việc xử phạt 1-2 triệu đồng theo quy định trên đây khó áp dụng vì khái niệm thế nào là "không ghi đầy đủ, rõ ràng" khá mù mờ, phải định nghĩa rõ điều này thì mới có căn cứ để phạt. Về nguyên tắc, đơn thuốc nào cũng ghi đầy đủ các thông tin trên. Vấn đề là việc viết tay khiến đa số bệnh nhân, thậm chí dược sĩ khó đọc, khó dịch, nhưng vẫn có người dịch ra được thì khó xử phạt.
Nhiều cơ sở y tế vẫn chưa biết ‘đơn thuốc điện tử’ là gì
Thông tư 27/2021 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 15/2/2022 cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh phải gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với nội trú; Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử.
Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử. Để kê đơn thuốc điện tử, người hành nghề (như bác sĩ, y sĩ) và cơ sở khám chữa bệnh cần được cấp mã định danh, phần mềm kê đơn.
Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, là người trực tiếp hỗ trợ các sở y tế triển khai thực hiện hơn 600 buổi tập huấn về kê đơn thuốc điện tử, liên thông đơn thuốc về hệ thống quốc gia và bán thuốc theo đơn.
Ông cho biết đến nay tất cả các sở y tế đã tổ chức tập huấn kê đơn thuốc điện tử cho các cơ sở y tế công lập (từ xã đến tỉnh). Các đơn vị này cũng đã liên thông đơn thuốc về hệ thống của Bộ Y tế ổn định. "Tuy nhiên việc liên thông đúng, đủ số lượng đơn kê và bán thuốc theo mã đơn điện tử thì vẫn cần sự tự giác của mỗi cơ sở khám chữa bệnh và cần sự giám sát kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước", ông Trọng nói.
Đối với hệ thống y tế tư nhân (bác sĩ phòng khám chuyên khoa, đa khoa, bệnh viện, nhân viên nhà thuốc), Hội Tin học y tế Việt Nam đã phối hợp tập huấn cho 48/63 sở y tế. Ông Trọng cho biết trong 15 địa phương chưa triển khai có Vĩnh Phúc, Hải Dương, Sơn La, Đà Nẵng, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu...
“Câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra tại gần 600 buổi tập huấn cho hệ thống y tế tư nhân là: ‘Các anh chị có biết kê đơn điện tử hay bán thuốc theo đơn điện tử là gì không?’ thì đa phần chưa hề biết, chưa từng nghe thông tin. Trong khi đó, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất và phổ biến nhất từ các học viên là ‘Bao giờ phải triển khai đơn thuốc điện tử?", ông Trọng nói với VietNamNet.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 7 bệnh viện trực thuộc các trường Đại học Y, Dược (cũng thuộc Bộ Y tế), gần 500 bệnh viện tuyến tỉnh, gần 11.400 trạm y tế tuyến xã. Về y tế tư nhân, cả nước có hơn 231 bệnh viện và hàng chục nghìn phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế thuộc Bộ Y tế cho biết năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Số liệu này chưa tính số khám không BHYT (trong đó có khám dịch vụ theo yêu cầu) hay khám tại cơ sở tư nhân không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Hiện nước ta chưa có thống kê chính thức về số lượng đơn thuốc mỗi năm hay mỗi ngày nhưng ông Trọng ước tính, mỗi năm có ít nhất 400-600 triệu đơn thuốc được tạo ra. Dù vậy, Hệ thống đơn thuốc quốc gia sau hơn 1,5 năm vận hành chỉ đang quản lý hơn 110 triệu đơn thuốc điện tử được liên thông kết nối.
Nguồn tin của VietNamNet cho biết với các bệnh viện tuyến trung ương, hiện có khoảng 50% đơn vị có gửi đơn thuốc lên hệ thống này. Một số bệnh viện “trắng đơn liên thông” trong đó có bệnh viện hạng đặc biệt, mỗi ngày tiếp nhận khám hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú.
Theo nhận định của ông Trọng, kê đơn thuốc điện tử đơn giản là tạo ra đơn thuốc trên phần mềm theo đúng quy định về mẫu đơn thuốc và gửi liên thông 1 bản đơn thuốc về hệ thống quốc gia.
“Kê đơn điện tử không hề khó”, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam nhìn nhận. Trong suốt 10 năm qua, 100% cơ sở y tế công lập đã thực hiện kê đơn điện tử để liên thông BHYT. Hiện một số cơ sở cung cấp phần mềm còn tạo ra các phần mềm đơn giản, trên nền tảng điện toán đám mây giúp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc kê đơn thuốc bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng chứ không nhất thiết phải sử dụng máy tính.
Đơn thuốc điện tử là xu hướng của các quốc gia tiên tiến. Thực hiện triệt để đơn thuốc điện tử có ý nghĩa thiết thực cho cả cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở y tế, thầy thuốc, bệnh nhân và giá trị cộng đồng, đặc biệt trong phòng chống kháng thuốc.
“Đơn thuốc điện tử cũng xóa bỏ hoàn toàn đơn thuốc kê bằng chữ viết tay, không còn tình trạng cầm đơn thuốc nhưng không biết đó là thuốc gì vì chữ bác sĩ không dịch được; ngăn chặn tình trạng làm giả đơn thuốc bởi cơ sở khám chữa bệnh hay người kê đơn đều có mã định danh. Việc sử dụng đơn điện tử giúp cơ quan quản lý nhà nước thực sự quản lý được việc bán thuốc theo đơn, từ đó nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân”, ông Trọng cho hay.
Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay". Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bansuckhoe@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.
Xin chân thành cảm ơn.