Xử lý thế nào với vụ việc dùng bằng giả ĐH Đông Đô?

Minh An| 26/11/2020 08:13

Việt BáoKhi vụ việc trường Đại Học Đông Đô cấp gần 200 bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ nên xử lý như nào là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận vụ cấp gần 200 bằng giả xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.

Theo kết luận, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).

Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT nhà trường, đang bị truy nã). Cảnh sát đã thu được 177 bằng giả.

"Trong số 193 bằng giả, chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu.

Đối với 193 người được các bị can cấp bằng cử nhân giả, 60 trường hợp đã sử dụng bằng cho nhiều mục đích khác nhau.

Trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại thì có một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.

ĐH Đông Đô

Vậy nên xử lý như thế nào đối với những tấm bằng giả cấp cho các học viên?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Đại diện văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết:''Theo quy định của pháp luật thì việc sử dụng bằng giả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cán bộ công chức sử dụng bằng giả để tuyển dụng, bổ nhiệm thì sẽ bị cách chức, buộc thôi việc. Tuy nhiên cần làm rõ bằng cấp thế nào được coi là giả thì mới có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật".

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, theo kết luận điều tra thì trong tổng số Bằng đại học văn bằng hai tiếng Anh của trường đại học Đông đô đã cấp ra thì có phần lớn là những người được cấp bằng không thông qua đào tạo.

Những bằng cấp này được xác định là bằng giả về mặt nội dung, nghĩa là người có bằng đại học nhưng không có trình độ đại học. Bằng cấp là thứ để ghi nhận trình độ tại thời điểm cấp bằng, bởi vậy nếu cấp bằng đại học cho người chưa được đào tạo, trình độ không tương xứng theo quy định của pháp luật thì đây là bằng giả về mặt nội dung.

Trong số những người đã được cấp bằng thì có những người đã tham gia học thật, thi thật, đã thi đỗ tốt nghiệp, học đủ tín chỉ theo quy định nên không thể coi bằng này là bằng giả được.

Bằng đại học đó được cấp đúng quy trình, đủ số tiết học, trình độ đảm bảo theo quy định của bộ giáo dục. Việc trường này không được phép đào tạo văn bằng hai tiếng Anh nhưng vẫn tuyển sinh công khai, tổ chức học cho 3527 người, thu học phí hơn 24.000.000.000 đồng, Bộ GD&ĐT vẫn bán phôi bằng cho trường này, vẫn giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai tiếng Anh.

Trong trường hợp này học viên hoàn toàn không thể biết được trường này không được phép đào tạo cho đến khi có kết luận điều tra của cơ quan điều tra nên vấn đề này các học viên không có lỗi. Những bằng cấp của những người đã học thật, thi thật phải được công nhận thì mới đảm bảo công bằng. Không thể để những sai phạm của cán bộ Bộ GD&ĐT của cán bộ nhà trường khiến những người học viên phải chịu.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo nội dung kết luận điều tra của cơ quan an ninh điều tra bộ công an thì sẽ xem xét đến trách nhiệm của các phòng, ban, cán bộ đã xác nhận, giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai tiếng Anh cho trường này và cơ quan điều tra cũng yêu cầu trường này phải trả số tiền gần 20.000.000.000 đồng cho khoảng 3000 học viên đã nộp tiền và đăng ký học tại đây.

Bởi vậy, thời gian tới đây cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan trong việc đã giao phôi bằng cho trường này và ký xác nhận giao chỉ tiêu cho trường này.

Chính có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho một số cán bộ của nhà trường thì mới khiến hơn 3000 học sinh học viên đăng ký học trình độ đại học văn bằng hai tiếng Anh và nộp tiền cho trường này (mỗi trường hợp phải nộp học phí hơn 30.000.000 đồng), đến nay thì không được nhận bằng, cũng không được công nhận kết quả đào tạo.

Trong trường hợp nhà trường cố tình không trả tiền cho các học viên thì các học viên có quyền tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại số tiền đã nộp cho nhà trường này.

Bởi vậy với những bằng đã cấp là cũng phải chia làm hai loại là những người học thật, thi thật và bằng do những người bỏ tiền ra mua. Học viên cũng cần phải phân loại là người nộp tiền để lấy bằng và những người tham gia học thật, thi thật.

"Cần đảm bảo quyền lợi cho những học viên đã theo học ở đây, số lượng họ được xác định là nạn nhân và được trả lại số tiền đã nộp thì mới đảm bảo công bằng, đúng quy định pháp luật. Còn đối với những người đã học thật, thi thật và được nhận bằng thì phải công nhận giá trị pháp lý của những bằng này thì mới đảm bảo công bằng.

Đối với những người không tham gia học, không thi, chỉ bỏ tiền ra để có được bằng đại học văn bằng hai tiếng Anh thì đây là những bằng giả, cần phải thu hồi, hủy bỏ và xem xét xử lý kỷ luật, hủy bỏ kết quả đối với thủ tục mà những người đó đã sử dụng văn bản giấy tờ giả mà có được thì mới đảm bảo công bằng, đúng pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xử lý thế nào với vụ việc dùng bằng giả ĐH Đông Đô?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO