Chiều 7/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim có những chia sẻ với phóng viên Dân trí sau khi Quốc hội, HĐND TP Hà Nội tiến hành các thủ tục cách chức và bãi nhiệm đối với ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh.
Khi bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, cá nhân ông cảm thấy thế nào?
- Tôi cảm thấy buồn. Nhưng dẫu có đau đến mấy thì cũng phải làm để đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Điều đó cũng thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của cả chính Quốc hội ngày 7/6 trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tới tận cùng và với bất cứ ai, ở vị trí nào.
Đây mới là các bước xử lý về mặt Đảng, chính quyền. Với những vi phạm đã được chỉ rõ của cá nhân ông Nguyễn Thanh Long và cả ông Chu Ngọc Anh, bước xử lý tiếp theo cũng hợp lòng dân.
Khi "quả bom Việt Á" phát nổ, nhiều người cũng không tưởng tượng được nó lan đến nhiều Bộ ngành và tỉnh thành đến vậy. Theo ông, việc hai Ủy viên Trung ương bị bắt và trước đó hàng chục cán bộ thuộc CDC các tỉnh thành vướng vào vòng lao lý có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe như thế nào?
- Có thể nói "quả bom Việt Á" đã gây chấn động trong nhân dân và cả nhiều cán bộ, công chức. Theo tôi được biết, đến nay có gần 60 cán bộ, công chức liên quan đến vụ việc. Việc xử lý nghiêm những cán bộ này là sự cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị, chứ không chỉ riêng ngành nghề nào.
Đối với những người đứng đầu ngành như ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh thì càng phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, với tinh thần vì nhân dân đất nước mà phục vụ. Còn chỉ vì đặc quyền, đặc lợi mà trục lợi là không thể chấp nhận được.
Trước vụ Việt Á, trong ngành y tế cũng đã mất nhiều cán bộ do vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Theo ông, trong trường hợp này, liệu có phải do Công ty Việt Á chi quá nhiều tiền "hoa hồng" nên các cán bộ đã không giữ được mình?
- Cái đau của vụ Việt Á hiện nay có thể nói là "con sâu làm rầu nồi canh". Bởi vụ việc đã tác động lớn đến tâm lý đội ngũ y bác sĩ trong ngành y. Khi những người có hành vi sai phạm bị cho ra khỏi hệ thống y tế nhưng những người mới nhận nhiệm vụ cũng đang loay hoay. Do vậy, chúng ta cần phải có những biệt pháp không để ngành y bất ổn kéo dài.
Còn đối với cán bộ, công chức "bắt tay" với Việt Á trong thời gian qua, theo tôi nghĩ trong bản thân họ đã có động cơ "vinh thân phì gia". Điều đó có nghĩa là chỉ cần có cơ hội thì họ sẽ lợi dụng để làm giàu cho bản thân, gia đình, thậm chí là cả dòng họ. Với những người có chức vụ, quyền hạn nếu có tư tưởng đó thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Để không xảy ra những vụ Việt Á trong tương lại, theo ông trong công tác cán bộ phải tập trung đến vấn đề gì?
- Về công tác cán bộ, phải thường xuyên có sự đánh giá, rà soát. Công tác cán bộ rất quan trọng, lựa chọn cán bộ, đưa vào vị trí nào, phải xem xét, đánh giá để từng bước bố trí cho phù hợp, nếu không được thì rút ra.
Còn về cơ chế giám sát, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác này còn nhiều hạn chế, thậm chí có tình trạng sợ nên không dám nói, ít phản biện mà chỉ nói xuôi chiều, nịnh trên nạt dưới, nên khó nhìn thấy khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục.
Cho nên, trong công tác cán bộ, cần mạnh dạn hơn, có thể đưa người trẻ vào hàng ngũ. Đồng thời nhanh chóng thay thế những cán bộ không có khả năng phấn đấu, rèn luyện hay đi theo một thiên hướng khác.
Xin cảm ơn ông!
Theo đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), quyết định của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như quyết định của Quốc hội đã khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
"Khi chúng ta giao quyền cho tư lệnh ngành, họ phải hoàn thành trách nhiệm thông qua các quyết sách. Điều nhân dân mong đợi các tư lệnh ngành đó là phải luôn giữ được bản lĩnh chính trị trong mọi tình huống", bà Hồ Thị Minh nói.