Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan vụ Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát...

Hoài Thu| 22/11/2023 15:52

Sau khi tiến hành 3 cuộc kiểm tra tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh và Quảng Nam, các cơ quan đã kỷ luật 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, liên quan vụ AIC, FLC.

Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuộc họp diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm cho ý kiến với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Thu hồi 75.800 tỷ đồng trong các đại án tham nhũng

Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung; công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương.

Từ sau phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc.

Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan vụ Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát... - 1

Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: Duy Linh).

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Điển hình, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương).

Với vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm, các cơ quan đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương.

Còn các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC.

Đến nay đã hoàn thành 3 cuộc kiểm tra (ở Thanh Hóa, Quảng Ninh và Quảng Nam), qua đó kỷ luật 26 tổ chức đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm 3 nguyên bí thư tỉnh ủy; 4 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh).

Cũng theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).

Phấn đấu hoàn thành cáo trạng vụ SCB và FLC

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan vụ Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát... - 2

Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực sáng 22/11 (Ảnh: Duy Linh).

Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...

Mục tiêu khác được Thường trực Ban Chỉ đạo đề cập là phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 7 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án.

Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án, gồm: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án trọng điểm, gồm: Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op).

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan vụ Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO