Xông hơi có hiệu quả ngừa COVID-19? Cẩn thận kẻo tiền mất, tật mang

20/12/2021 08:23

Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bé gái T.L.N.P (14 tuổi, ở Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng do gia đình xông lá thuốc để ngừa COVID-19.

xong-hoi-phong-covid-19.jpg

Nguy kịch vì tự xông hơi

Bé T.L.N.P (14 tuổi, trú tại Đồng Nai) được chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bỏng nặng. Được biết trước đó, em được gia đình cho xông lá thuốc để phòng ngừa Covid-19. Trong lúc đang xông, em đột ngột lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước xông rồi bất tỉnh.

Em được gia đình đưa tới cấp cứu tại bệnh viện Đồng Nai trong tình trạng bỏng nặng phần đầu - mặt - cổ. Sau đó, em được chuyển tuyến lên bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, em phải thở bằng máy, truyền dịch nuôi ăn và dùng kháng sinh mạnh để khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng. Theo bác sĩ, các vết sẹo dính - hậu quả của trận bỏng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới ngoại hình cũng như sinh hoạt sau này của P.

Qua đó, các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo tinh dầu bay hơi từ các loại lá khi xông chỉ có tác dụng làm dịu các triệu chứng về hô hấp, thần kinh; giảm đau nhức chứ không thể ngăn ngừa hay chữa khỏi bệnh COVID-19.

Phụ huynh lưu ý không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là đối với trẻ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay có cơ địa dị ứng với tinh dầu. Những trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), xông hơi là giải pháp tâm lý trong điều trị COVID-19. Từ trước tới nay, người dân vẫn có thói quen xông hơi khi bị cảm mạo, cảm cúm. Tuy nhiên, xông mũi họng không thể tiêu diệt virus vì virus không sống bên ngoài tế bào.

Khi cơ thể bị nhiễm virus, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp và nhờ tế bào của người bị nhiễm để sản xuất ra nhiều virus mới, xâm nhiễm qua các tế bào lân cận. Khi bạn xông hơi, chỉ lớp niêm mạc bị nóng lên, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì thế, súc họng hay xông mũi họng đều không ngăn chặn được virus hay nguy cơ nhiễm bệnh. Xông hơi chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng và làm loãng đờm nhầy.

Khi xông, hơi nước nóng bốc lên từ nồi thảo dược làm giãn mạch ngoại biên; lượng máu được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể và giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn.

Xông hơi nóng có thể làm loãng các dịch tiết, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, giúp dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi. Độ nóng thích hợp sẽ tạo cảm giác thư giãn, thoải mái và giảm đau nhức cơ.

Lưu ý khi xông hơi


Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3 cho biết xông hơi là biện pháp tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể xông hơi được. Một số tình trạng có thể gặp khi xông hơi là mất nước và chất điện giải, tăng nhịp tim, hạ huyết áp, khô da…..

Theo bác sĩ Vũ, những người sau đây nên tránh hoặc hạn chế xông hơi bởi sẽ có nguy cơ mất nước cao hơn: trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính như hạ huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não, tiểu đường, bệnh thận, suy tim.

Đặc biệt, khi xông hơi cần lưu ý không ăn quá no. Những người đang sốt cao, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang có thai cũng không nên xông hơi.

Bác sĩ Vũ cũng cho rằng những thông tin xông hơi có thể tiêu diệt virus là thông tin rất nguy hiểm. Nó có thể khiến người ta lơ là các biện pháp phòng ngừa hết sức quan trọng để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Khi virus đã nhiễm vào cơ thể thì xông hơi ở nhiệt độ cao cũng không thể tiêu diệt chúng.

Việc xông hơi nước nóng liên tục còn có thể làm tổn thương màng nhầy, làm giảm khả năng miễn dịch. Chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi nhưng không nên lạm dụng và nên xông hơi một mình thay vì xông chung cùng người nhà để tránh lây bệnh.

Bệnh nhân COVID-19 cần chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý làm theo các chia sẻ trên mạng khi thông tin chưa được kiểm chứng và không mang tính chính thống về mặt khoa học.

Để phòng ngừa COVID-19, bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân nên tuân thủ những phương pháp phòng ngừa của Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới. Đồng thời, người dân không nên quá hoang mang hay làm theo những thông tin được lan truyền trên mạng Internet để tránh tiền mất, tật mang.

Theo Tin tức online
https://tintuconline.com.vn/suc-khoe/xong-hoi-co-hieu-qua-ngua-covid19-can-than-keo-tien-mat-tat-mang-n-503802.html
Copy Link
https://tintuconline.com.vn/suc-khoe/xong-hoi-co-hieu-qua-ngua-covid19-can-than-keo-tien-mat-tat-mang-n-503802.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xông hơi có hiệu quả ngừa COVID-19? Cẩn thận kẻo tiền mất, tật mang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO