Xóm hành tỏi: Rát tay, cay mắt và nỗi nhọc nhằn mưu sinh

Trần Chánh Nghĩa| 28/02/2018 07:00

Xóm là nơi trú ngụ của hàng trăm gia đình nhập cư, làm đủ các ngành nghề nhưng nhiều nhất vẫn là nghề bóc hành tỏi nên mới có tên là... xóm hành tỏi.

Xóm hành tỏi đã có từ hàng chục năm nay nhưng không mấy ai ở Sài Gòn biết đến. Xóm vốn không có tên, nằm dưới chân cầu Lò Gốm, sâu trong các con hẻm dọc theo đường Võ Văn Kiệt (phường 10, quận 6, TP.HCM). 

Những người không ăn Tết

Chúng tôi vào thăm xóm những ngày sau Tết. Xóm vắng. Đường vào xóm gập ghềnh, nhiều bụi đất và rác bẩn. Trên khu đất khá rộng, những dãy nhà xiêu vẹo, chắp vá nằm im dưới cái nóng đổ lửa. Nhiều nhà vẫn còn đóng cửa.

Xóm hành tỏi với những căn nhà lụp xụp tồi tàn.

Quang cảnh thật buồn. Một vài nhà đang mở cửa. Nhìn vào trong, họ quây quần bên nhau cùng cắt gọt những tép tỏi. Họ làm việc rất tập trung...

Ở một góc xóm, ngoài hiên nhà, ba người đang cần mẫn làm việc. Họ ngồi bên cạnh những bao tỏi, lấy ra từng củ đã được lột vỏ qua máy cắt bỏ đầu đuôi và những vết hư hỏng, sau đó bỏ vào một thau nước...

Nghề hành tỏi làm quanh năm nhưng phải đến 25 Tết mới sôi động. Hàng hóa nhiều, người làm lác đác về quê nghỉ Tết, chỉ còn lại một số ít tiếp tục làm việc.

Muốn công việc trôi chảy, chủ cơ sở gia công hành tỏi buộc lòng phải lên giá. Nếu ngày thường một kg hành tỏi làm sạch được trả công 1.200 đồng - 2.000 đồng, ngày Tết được nâng lên từ 2.000 đồng - 2.500 đồng.

Cảnh nhếch nhác, tồi tàn ở xóm hành tỏi.

Chị Ngô Thị Dư (48 tuổi, quê Gò Công, Tiền Giang) vừa làm vừa kể: "Gia đình em không năm nào về quê ăn Tết. Tết là dịp để kiếm tiền vì giá gia công được nâng lên. Năm nay em làm suốt Tết, chỉ nghỉ ngày mồng 1. Cũng nhờ vậy mà ra giêng, gia đình có đồng ra đồng vào... ".

Chị Dư có chồng là thợ làm bánh mì. Chị ở nhà nhận tỏi hành về bóc vỏ làm sạch. 3 đứa con chị cũng đã lớn. Chị rời quê khi mới ngoài 20 tuổi lên Sài Gòn làm đủ các nghề.

Một thời gian sau, anh chị gặp nhau, nên duyên chồng vợ. Chị chỉ vào cô gái bên cạnh cùng làm với chị và nói: "Con gái lớn em đó. Nay nó 20 tuổi thì em về xóm này cũng đã 20 năm".

Tại vựa hành tỏi, tỏi được bóc vỏ cho vào bao trước khi giao cho nhân công làm sạch.

"Chúng em làm việc quên cả ngày đêm.  Mỗi ngày em làm từ 8 giờ sáng đến tận 22 giờ đêm, có lúc quên cả ăn mới được 100kg để nhận từ 120.000 đồng - 200.000 đồng tiền công. Có khổ cực vẫn còn hơn không có việc làm nên chúng em rất cố gắng. Tuy nhiên có cố mấy cũng chỉ dừng lại ở mức tạm đủ qua ngày chứ mơ để có một mái nhà cũng chỉ là viễn vông", chị Dư trải lòng.

Tại vựa hành tỏi, tỏi được bóc vỏ cho vào bao trước khi giao cho nhân công làm sạch

Nghề bóc vỏ làm sạch hành tỏi là nghề đơn giản, không đòi hỏi trình độ cao. Chỉ cần một chút siêng năng, một chút chịu khó và nhất là nhanh tay thì người làm nghề vẫn có thể kiếm sống được bằng nghề.

Vẫn là xóm nghèo

Ngô Văn Minh (57 tuổi, thợ máy quê Tiền Giang) trú ngụ ở đây từ khi xóm này chưa xuất hiện nghề hành tỏi.

Anh kể lại, hồi ấy một số phụ nữ bận con cái không thể đến công ty, xí nghiệp làm việc được nên họ đã lấy hành tỏi từ các vựa về nhà gia công những lúc rảnh rỗi.

Ban đầu chỉ vài người làm rồi sau đó phát triển thậm chí cả những người đang có việc làm cũng bỏ về để bóc hành tỏi. Bước đầu những củ hành, củ tỏi được làm sạch bằng phương pháp thủ công nên năng suất không cao.

Thêm vào đó, do mới làm nên có người không chịu được mùi hăng, cay của hành làm đỏ mắt, độ nóng của tỏi làm rát tay.

Một hộ đang bóc tỏi.

Tuy nhiên theo thời gian, họ quen dần với công việc để đến hôm nay, xóm hành tỏi hình thành. Hiện đã có khoảng 30 hộ với hơn 100 lao động nam nữ đủ các lứa tuổi.

Công đoạn bóc vỏ hành tỏi giờ đây đã được cơ giới hóa. Nhiều chủ vựa đã sắm được máy, mỗi ngày nhập hành tỏi từ các nơi như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Diễn Châu (Nghệ An), Hà Nội..., với số lượng lên đến hàng tấn mỗi ngày.

Hành tỏi sau đó được đưa vào dây chuyền. Chỉ cần một công nhân đổ hành tỏi vào đầu vào và một người đứng nhận ở đầu ra. Người lao động bây giờ nhận hành tỏi đã tróc vỏ, được đóng bao về nhà cắt gọt và làm sạch rồi giao lại cho vựa để nơi đây tiếp tục chuyển giao cho mối ở các khu chợ tại TP.HCM.

Một phần khác được giao cho các cơ sở chế biến thành hành phi, bán lại các quán ăn, nhà hàng một số khu vực lân cận.

Những ngày cuối năm nhu cầu tiêu thụ hành tỏi tăng cao. Vào xóm hành tỏi không khí làm việc rất nhộn nhịp.

Rất dễ bắt gặp hình ảnh các cụ già, trẻ em và phụ nữ ngồi bên bao hành tỏi tay cầm con dao nhọn cắt tỉa từng củ cho vào rổ sạch. Họ làm việc rất hăng say cũng không đủ để cung ứng cho nhu cầu các chợ...

Chị Dư và con gái đang miệt mài với công việc.

"Nhưng dù có làm cật lực mỗi người cũng không thể làm hơn 100kg/ngày. Chính vì thế mà thu nhập của người làm hành tỏi còn ở mức thấp và xóm hành tỏi vẫn là xóm nghèo.

Tôi không làm nghề này nhưng lại là người chứng kiến từ lúc mới manh nha hình thành. Cũng chỉ mong sao, những người làm nghề hành tỏi có thu nhập tốt để bộ mặt xóm hành tỏi được khang trang hơn", anh Minh nói.

Có lẽ mong ước của anh Minh cũng là của chúng tôi. Hi vọng một ngày mới khởi sắc hơn sẽ đến với xóm nghèo này.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 27/02/2018   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/sai-gon-rat-tay-cay-mat-boc-hanh-toi-nhan-2-nghin-dong-kg-431623.html?fbclid

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xóm hành tỏi: Rát tay, cay mắt và nỗi nhọc nhằn mưu sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO