Sống quen là "ghiền"
Hơn 13h, thương hồ sống trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM) bắt đầu giờ nghỉ trưa. Có người mắc võng ngay trên ghe để ngủ, người thì tranh thủ lúc vắng khách, thong thả soạn hàng. Dọc con đường này, dưới nước là những chiếc ghe đậu san sát nhau, còn trên bờ là sạp trái cây của các thương hồ.
Mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra trên ghe, không khác gì cuộc sống trong những ngôi nhà trên bờ.
Bà Nguyễn Thị Mai Liên (45 tuổi) ngồi gọt quả mít còn nguyên vỏ, tách từng múi, xếp ngay ngắn vào hộp, chờ người đến mua.
Liên tục quẹt vội mồ hôi ướt đẫm trán, bà Liên nhăn mặt nói: "Mấy ngày nay nóng quá, ngồi bán hàng ngoài trời lâu cũng thấy chóng mặt. Thỉnh thoảng tôi phải buông tay, chui xuống ghe tránh nóng một lát".
Bà Liên đã sống trên chiếc ghe cập sát bờ kênh Tẻ từ 13 năm trước. Chiếc ghe của gia đình bà Liên có 2 gian, chia làm khu vực trên và dưới. Mỗi mùa nắng nóng, "lầu" trên có phần oi bức hơn, nhưng "tầng trệt" vô cùng thông thoáng, mát mẻ.
Dù trên ghe có sẵn quạt nhưng bà ít khi bật, một phần là do gió thổi từ sông đã đủ mát mẻ, một phần vì gia đình muốn tiết kiệm điện. Bà Liên cười xòa "những thương hồ ở đây cả đời… không cần lắp máy lạnh".
"Ở đây chúng tôi muốn dùng điện thì phải nối nhờ dây điện từ nhà dân xuống ghe. Nước dùng hằng ngày cũng thế, gia đình cũng nối đường ống từ nhà dân dẫn nước xuống, mỗi tháng chia tiền ra đóng", bà Liên nói.
Cách đó không xa, chị Phượng (43 tuổi), thương hồ trên đường Trần Xuân Soạn, cũng đang tranh thủ nghỉ ngơi. Chỉ tay về phía chiếc ghe của mình, chị Phượng cho biết, TPHCM vào cao điểm mùa khô nóng, gia đình chị lắp thêm máy phun sương trên phần mái tôn của chiếc ghe.
Lúc này, shipper (người giao hàng) gọi điện, đứng sẵn tại căn nhà đối diện sạp hàng của chị Phượng.
Vẫy tay ra hiệu cho shipper sang đường, đến chỗ của mình, chị Phượng vừa nhận hàng vừa nói: "Sống trên ghe làm gì có địa chỉ nhà, muốn mua hàng online (trực tuyến) thì phải đặt nhờ địa chỉ nhà hàng xóm".
17 tiếng trần mình làm việc mỗi ngày
Người phụ nữ này kể, trước đây từ quê nhà Bến Tre, vợ chồng bà quyết định sắm chiếc ghe, tiến thẳng đến TPHCM.
Thời gian đầu, vì chưa quen với cuộc sống lênh đênh sông nước, bà Liên bộc bạch: "Sống trên ghe nếu không quen sẽ thấy rất vất vả, vì sinh hoạt thiếu thốn, bất tiện đủ thứ.
Trời mưa, nước tạt vào "nhà", mùa gió chướng từ bề... thông thống. Nhưng ở lâu rồi quen, rồi trở nên "ghiền". Sống trên sông nước thoải mái, mát mẻ, lại không tốn nhiều tiền thuê trọ, cảm giác rất tự do".
Bà Mai Liên cho hay, 5h mỗi ngày, các thương hồ tại đây đã thức giấc, chuẩn bị cho ngày mới. Mãi đến 22h, họ mới dọn hàng, chính thức nghỉ ngơi.
Theo bà Liên, việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vào mùa nắng, dù hơi vất vả nhưng mỗi ngày bà vẫn kiếm được vài trăm nghìn đồng, dành dụm nuôi con.
Nhưng mỗi khi triều cường dâng, đường Trần Xuân Soạn ngập, các thương hồ vừa không buôn bán được, vừa phải ngâm mình trong nước suốt 17 tiếng.
"Riết rồi cũng quen, không chịu được rồi cũng thành chịu được. Cuộc sống mà, mỗi người một phận, một nghề, muốn kiếm tiền thì phải chấp nhận", bà Liên trải lòng.
Thấu hiểu nỗi mưu sinh vất vả, bà Liên dặn lòng phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền, cho 2 con đến trường không thiếu buổi nào. Đối với bà, vợ chồng cơ cực để tương lai các con tốt hơn.
Vì thế, mỗi khi có ai bàn đến các tuyển sinh, điểm chuẩn hay phương thức thi ở các trường đại học, bà Liên luôn chỉ rành rẽ, vì đã tìm hiểu rất kỹ.
Nói đến đây, bà chợt trầm ngâm.
"Sống ở ghe thích thật. Nhưng nếu trúng số, bản thân tôi cũng ước mua được căn nhà phố. Tôi chịu được vất vả nhưng bản thân lại muốn các con được sống đầy đủ, ổn định như những người khác", bà Liên cười.