Ổ thuốc phiện
Từ trung tâm TP xuôi về hướng miền Tây, đến vòng xoay Phú Lâm (Q.6) rẽ phải vào đường Bà Hom chúng tôi đang tìm về một vùng đất xa xưa. Trước năm 1975, nơi đây thuộc vùng ven, còn hoang sơ và thưa vắng. Sau khi vượt qua Tòa án Quân sự và Trại kỷ luật Nguyễn Văn Sâm, chúng tôi tiến gần đến xóm Cây Da Sà.
Xóm Cây Da Sà có từ rất lâu. Người dân nơi đây là những nông dân hiền hòa với mái nhà lá và mảnh vườn ruộng tươi tốt quanh năm. Năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm cho rất đông người Nùng ở Móng Cái (Quảng Ninh) di cư vào đây tá túc. Xóm Cây Da Sà vang danh từ đấy.
Hút xách tại xóm Cây Da Sà (Ảnh tư liệu)
Lúc đầu những người Nùng còn chịu thương chịu khó làm thuê kiếm sống. Họ làm thợ xây, làm bốc vác hay tài xế v.v... được một thời gian thì chán nản. Quen với lối sống cũ - từng trồng và sử dụng thuốc phiện - họ tìm cách móc nối chuyển thuốc phiện từ Lào vào để buôn bán.
Nghề bán thuốc phiện ở xóm Cây Da Sà đã nhanh chóng biến đổi nơi đây thành nơi 'đi mây về gió' của những nàng tiên nâu. Hầu hết trong những căn nhà lụp xụp, luôn có giường chiếu, bàn đèn để dân ghiền tìm đến. Những người Nùng đã nghiện từ trước cộng với người Hoa ở Chợ Lớn là những khách hàng đầu tiên của xóm bàn đèn Cây Da Sà.
Thuốc phiện ở Cây Da Sà được cho là có giá rẻ mà chất lượng. Tiếng tăm Cây Da Sà càng lúc càng vang dội nhờ vào lực lượng người Nùng tại đây. Đa số họ đều đi lính cho chế độ cũ vào các binh chủng dữ dằn như Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân.
Xóm Cây Da Sà trên đường Bà Hom thập niên 1960. (Ảnh tư liệu)
Khách đến hút không phải lo lắng về sự an toàn cho bản thân và tài sản. Tiền bạc, xe cộ vứt bừa ra đó chẳng ai thèm đụng. Mà nếu có đụng vào, lỡ bị phát hiện thì mọi người ở đây sẽ xúm lại để xử ngay.
Nhiều lò điều chế thuốc phiện được mọc lên. Những A Hào, A Lình, nhất là Vòng A Chảy là những chủ lò có cách điều chế thuốc theo phương thức của người Nùng rất đặc trưng khiến người sử dụng rất thích thú.
Cây Da Sà nhanh chóng có được thị trường béo bở. Tiếng tăm vang dội làm cho giới buôn bán thuốc phiện của người Hoa ở Chợ Lớn cay cú. Nhiều ngón đòn, nhiều thủ đoạn được tung ra như vụ Vàng A Chảy bị ném lựu đạn chết trong xe hơi trên đường về nhà là một ví dụ điển hình.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt về thuốc phiện cũng giảm bớt từ đó. Ai có lãnh địa nấy, không ai đụng đến ai.
Sau 30/4/1975, các lò điều chế và các tụ điểm hút thuốc phiện tại Cây Da Sà bị xóa sổ. Bộ mặt tại đây cũng thay đổi dần để đến hôm nay, những người của lớp thế hệ sau ít ai biết được.
Ông tổ của số đề?
Hiện nay số đề được phổ biến rộng rãi. Mỗi ngày có rất nhiều người tham gia vào cuộc đỏ đen này. Cũng rất nhiều người là huyện đề hàng ngày thu về rất nhiều tiền. Mấy ai biết, tổ của số đề là ai...
Chợ mới.
Số đề xuất hiện tại miền Nam vào những năm đầu của thập niên 1960. Theo lời kể của một người bạn - anh Trần Ngọc Hiếu ở quận 6 - thuở nhỏ anh sống ở khu vực bến Phú Định. Hàng ngày anh được nhiều người nhờ đi ghi dùm số đề ở nhà ông bà Hai Lâu tại ngã ba Nguyễn Văn Luông - Lý Chiêu Hoàng (bây giờ). Ông Hai Lâu gom những con số mà khách hàng ghi giao nộp về cho ông Bảy Diệm ở xóm Cây Da Sà.
Ông Bảy Diệm vốn người Long Hựu Đông (Cần Đước - Long An) lên Cây Da Sà làm nghề xe ngựa chở khách tuyến Cây Da Sà - Chợ Lớn. Được một thời gian, ông nghỉ nghề xe ngựa lao vào tổ chức ghi đề.
Đề của ông Bảy Diệm lúc bấy giờ chỉ có 40 con số lấy hình thể muôn thú ghép vô. Đầu tiên là số 1 con cá, số 2 con ốc... có vài con vật mang hai số như: cá số 1, cá 30, mèo 14, mèo 18, rồng số 10, rồng 26. Nhưng cũng có một số loài vật không có trong bảng phong thần của ông Bảy như con Thỏ, Kỳ Lân, Kỳ Đà, Hà Mã, Thằn Lằn. Qua một giấc ngủ hay đi trên đường hoặc một lý do nào đó có điều kiện gặp một con thú, người đánh đề nghĩ ngay đến con số tương ứng để đánh.
Biển chỉ dẫn vào chợ.
Một con số trúng được trả 36đ cho 1 đồng ghi số. Mỗi ngày ông Bảy Diệm xổ 2 lần. Số trúng được ông mắc lên một nhánh cây cao trong xóm Cây Da Sà đồng thời thông báo cho các huyện đề.
Cuộc làm ăn của ông Bảy phát đạt kéo dài khá lâu cho đến khi có sổ số kiến thiết. Lúc bấy giờ, các tay trùm đề xuất hiện khá nhiều và chọn cách lấy theo kết quả xổ số và giải thưởng cao lên 1đ ăn 70đ. Vì là người đầu tiên tổ chức số đề nên ông Bảy được xem như ông tổ số đề.
Anh Hiếu kể tiếp cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Có một ông nọ chơi đề thua đến tán gia bại sản. Gia đình tan bầy xẻ nghé. Ông định chơi một cú chót để gỡ. Ông đã đến xóm Cây Da Sà tìm gặp người tham mưu thân tín nhất của ông Bảy. Ông này người Nùng được ông Bảy tin dùng trong việc kế toán sổ sách và xổ số hàng ngày.
Ông kể lể về hoàn cảnh thua đề của mình và mong tay quân sư giúp cho gỡ nợ đồng thời hứa sẽ bỏ khi gỡ được vốn. Ông năn nỉ như thế nào mà tay quân sư của ông Bảy xiêu lòng. Tay quân sư nói rằng vì đã thề độc nên không thể cho số được nhưng ông sẽ chỉ vào một món đồ vật nào đó, rồi tuỳ vào sự phán đoán để ghi số.
Ông chơi đề mừng rỡ, cám ơn rối rít. Tay quân sư nhìn quanh quẩn rồi bất chợt chỉ vào bộ ván gỗ đỏ. Thời đó dân có tiền của gốc ngoại tỉnh thường thích bộ ván gỗ đỏ, quí nhất là ván đôi. Chỉ xong rồi ông chơi đề mới nhìn chăm chú vào mặt ván. Mà ván gỗ loại tốt có lõi vằn vện tha hồ mà suy diễn ra hình thù con vật.
Kết quả sau buổi xổ số đó anh chơi đề thua trắng tay. Thất thểu, anh ta lên tìm tay quân sư để trách móc. Tay quân sư mới nói: 'Ngộ (tôi) chỉ cho nị (anh) rồi mà tại nị không hiểu. Bộ ván để lên đâu, phải để lên 2 bộ chân không? Chân đó gọi là chân gì, không phải là chân ngựa sao? Chiều nay ngộ xổ con ngựa còn gì nữa. Cái nầy là do số của nị thôi. Ngộ giúp nị như thế là quá sức rồi. Nị nên thông cảm cho ngộ'.
Xóm Cây Da Sà đã xóa sổ. Tệ nạn ma túy không còn. Những tay giang hồ khét tiếng số đã già, số đã chết. Bộ mặt Cây Da Sà đã biến đổi khởi sắc hơn. Duy chỉ có số đề vẫn còn xuất hiện khắp nơi khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh cùng cực.
Mong sao bằng các biện pháp nghiệp vụ, chính quyền xóa được số đề, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình...
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 27/06/2019
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/ve-lai-sai-gon-xua-xom-cay-da-sa-545094.html?fbclid