Ngày ấy, mỗi lần được mẹ sai giã đậu phộng là biết sáng hôm sau mẹ nấu xôi bắp. Dù là món ăn sáng ngán nhất cuả chị em tôi thời ấy, nhưng khi mùi thơm ngọt của hạt bắp mới hái, mùi lá dứa tỏa ra từ gian bếp của mẹ lại khơi gợi vị giác, đánh thức giấc sáng của đám trẻ nhà tôi trong cái se lạnh gần Tết của tiết trời cao nguyên.
Tuổi thơ tôi ngoài giờ học ở trường là những ngày ra đồng phụ ba mẹ. Miền đất quê tôi chứa nhiều dưỡng chất nên cây trồng nào cũng nhanh lớn, ra hoa, kết trái no tròn, cây bắp lại dễ trồng, hợp với nhiều miền thổ nhưỡng. Khi đến mùa thu hoạch, không riêng gì nhà tôi, cả xóm thời ấy nhà ai cũng đầy vun bắp trái. Những trái to, hạt đều, được chọn và phơi khô để dành làm hạt giống mùa sau, những trái èo uột, hạt lép thì làm thức ăn gia súc.
Bắp nếp dẻo mềm
Mùa nào ba mẹ tôi cũng dành lại vài bao bắp trái để ăn dần vào những khi gạo thóc khan hiếm, còn lại đem bán cho các thương lái. Bắp trái ngoài phơi khô để dành, mẹ tôi còn đem luộc chín hay nướng làm món ăn phụ vào các buổi trong ngày. Bắp trái đem tách hạt độn với cơm, xào tỏi làm món ăn mặn, nấu chè, nấu xôi…
Nhớ lắm những hạt bắp dẻo mềm, thơm lừng, hòa cùng mùi vị đặc trưng của muối đậu, chị em tôi cứ nhẩn nha nhai, vừa nhai vừa nói chuyện để rồi nghe mẹ giục ăn nhanh còn đi học. Nhớ những buổi xế chị em tôi phụ mẹ tách hạt những trái bắp rồi tiện tay nghịch ngợm xếp từng hạt thành hình trái tim, hình tròn, hình ông mặt trời đang cười với những tia nắng dài,…
Xôi bắp
Ngày ấy, mẹ tôi thường dậy từ rất sớm để nấu kịp mẻ xôi bắp làm bữa sáng cho chị em tôi lót dạ đến trường. Cách nấu xôi bắp của mẹ tôi cũng tương tự các vùng miền khác, không cầu kỳ, tốn kém. Từ những hạt bắp nếp trắng tinh cây nhà lá vườn mẹ đem ngâm qua đêm và ninh mềm cho nở, thêm vài khúc lá dứa cho dậy mùi thơm. Khi bắp đạt đến độ dẻo mềm, mẹ tơi cho nhanh nguội rồi đem trộn đều với phần đậu xanh hấp đã chuẩn bị từ đêm hôm trước. Mẻ xôi vừa chín tới cũng là lúc mẹ rời gian bếp gọi chị em tôi thức dậy chuẩn bị đi học.
Mẹ cũng dạy tôi cách làm muối đậu, phải giã vừa tay, không nhuyễn quá để đậu phộng rang còn giữ độ béo giòn khi ăn. Vừa giã vừa lắc cối cho đậu được giã đều, không dính cối, thêm ít mè rang rồi trộn đều với muối, đường theo tỉ lệ cho vừa vị mặn ngọt. Muối đậu ăn kèm với xôi bắp như là một “cặp đôi hoàn hảo” tròn vị tự nhiên. Bên trên thêm một ít hành phi, cho vị béo bùi, thơm ngon có chút giòn giòn sần sật.
Có lúc mẹ lấy bắp hạt ngâm qua đêm đem giã dập rồi nấu chín nhừ cùng với gạo nếp, thêm chút nước dừa, rồi mẹ đảo đều cho đến khi hỗn hợp đổ nhựa trắng sền sệt, ăn cùng muối đậu, dừa sợi cũng rất thơm.
Xôi bắp trộn đậu xanh hấp, thêm chút hành phi thơm lừng
Nhớ những ngày lên thành phố trọ học, hàng xôi bắp của cô Tư đầu hẻm còn là món ăn “ chữa cháy” vào những ngày cạn kiệt tiền cơm. Rồi tôi tốt nghiệp ở lại làm cư dân thành phố, bận rộn tiếp cận những mới mẻ của thời đại, những món ăn sang trọng, lãng quên dần món xôi bắp tuổi thơ ngày ấy.
Cho đến khi đôi chân đã đi qua những năm tháng thăng trầm nơi phố thị, tuổi đời đã nếm trải đủ lo toan, thì bất chợt một gánh xôi bắp sớm mai bên lề phố đưa tôi về quãng nhớ.
Món xôi gói cả niềm thương nhớ
Món xôi bắp dân dã, mang dự vị ấu thơ lại dễ dàng tìm thấy mọi nơi ở thành phố phồn hoa này. Có hàng xôi, người bán vẫn dùng lá chuối bọc lại các hạt bắp như gói ghém bao niềm thương nỗi nhớ. Những hạt bắp màu trắng sữa nổi bật lên nền xanh tự nhiên của lớp lá chuối, lớp muối đậu, muối vừng thơm vàng lành tính, thanh đạm.
Món ăn dân dã thân thương và bình dị ấy khiến lòng tôi nao nao nỗi nhớ. Thân thương bởi nó vốn là món ăn của những miền quê mộc mạc, từ hạt, từ trái. Bình dị vì nó không là đặc sản hay cao lương mỹ vị, cả cách nấu, nguồn gốc nguyên liệu và thức mùa dùng kèm cũng thuộc về tự nhiên. Là món ăn gợi lại những ký ức ngọt ngào về mẹ và mái ấm gia đình trong tôi và cho cả những người con xa xứ cùng lựa chọn thành phố dễ thương này làm quê hương thứ hai.