‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Vì một tương lai bền vững

Hàn Mai| 07/12/2023 11:44

Biển Đông là một trong những ngư trường giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, nơi này cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, từ việc tranh chấp chủ quyền cho đến việc môi trường ngày càng xuống cấp vì biến đổi khí hậu, tình trạng axit hóa đại dương, khai thác quá mức…

Trước vấn đề này, James Borton - một nhà báo, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại của Đại học Johns Hopkins, và nhà “khoa học công dân” (citizen science) ở đồng bằng sông Cửu Long - đã tập hợp những nghiên cứu và trải nghiệm của mình để viết cuốn sách “Xoay chuyển tình hình Biển Đông vì một tương lai bền vững” (tựa gốc: Dispatches from the South China Sea: Navigating to Common Ground) nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển này.

‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Vì một tương lai bền vững - 1

Quyển sách mở đầu đầy thú vị bằng cuộc trò chuyện giữa James Borton và nhà văn Lã Thanh Tùng trong một quán bia hơi ở Hà Nội. Tại đây, cả hai không chỉ thảo luận về cuộc sống của những ngư dân trên Biển Đông mà còn đề cập đến những câu chuyện quen thuộc đã từng xuất hiện trên mặt báo, từ cuộc chiến chủ quyền Gạc Ma năm 1988 với sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam cho đến việc tàu cá Việt Nam thường bị Trung Quốc chèn ép, phải đi xa hơn, chịu nhiều hiểm họa hơn trên ngư trường.

Bằng sự quan tâm sâu sắc đến Biển Đông, James đã đi thực địa ở nhiều vùng đất khác nhau, từ vùng duyên hải miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long để quan sát và tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề. Trong quá trình này, ông luôn tìm cách trò chuyện thân tình cùng ngư dân để lắng nghe những khó khăn và lo lắng của họ trong cuộc tranh chấp.

Tác giả cho biết trong vòng năm mươi năm qua, một nửa số rạn san hô đã biến mất, số lượng các loài cá lớn chỉ còn 10% và có nhiều loài đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trong khi đó, những cuộc đụng độ trên ngư trường mà Trung Quốc đang cầm đầu đã phủ bóng đen lên Biển Đông, gây thiệt hại kinh tế cho nhiều ngư dân của các nước tranh chấp, trong đó có Việt Nam.

‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Vì một tương lai bền vững - 2

James Borton từng là một thủy thủ, từng lênh đênh trên các thuyền đánh cá, xuồng ba lá và tàu Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông… do vậy, ông muốn tìm cách để các ngư dân được cất lên tiếng nói của mình về những vấn đề này. Nhưng “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” không chỉ có tiếng nói từ những cá nhân riêng biệt, nó còn là tiếng nói chung của các nhà khoa học nhằm “thổi còi” cảnh báo về một thảm họa nghiêm trọng đối với môi trường và con người tại Biển Đông.

Theo James Borton, tình trạng phát triển quá nhanh ở các vùng duyên hải, đánh bắt quá mức, tàn phá san hô… và những tác động trong cuộc xung đột đã đưa tất cả mọi người phải đi ra “tuyến đầu” trong cuộc chiến bảo vệ môi trường ở vùng biển quan trọng này.

Điểm đặc biệt của quyển sách nằm ở chỗ nó được viết theo góc nhìn kép, kết hợp giữa nghiên cứu và ghi chép thực địa với nhiều câu chuyện thực tế và số liệu khoa học cụ thể để độc giả có được cái nhìn toàn cảnh về những gì đang xảy ra tại Biển Đông. Với kiến thức cùng trải nghiệm của mình, James cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể biến Biển Đông thành “một vùng biển đoàn kết thay vì chia rẽ”. Cuốn sách là lời tuyên bố đầy mạnh mẽ của ông về vấn đề này.

Giải pháp khả thi cho biển đảo

Từ năm 2014, James Borton đã tổ chức và làm diễn giả nhiều chương trình và podcast có chủ đề liên quan đến an ninh môi trường ở Biển Đông với sự tham gia của các nhà khoa học biển và chuyên gia chính sách uyên bác. Thông qua quan sát và thực nghiệm, ông đã phác họa nên bức tranh toàn cảnh về tình hình Biển Đông trong cuốn sách của mình. Ở đó, ông không chỉ nêu bật những vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra trong hệ sinh thái của Biển Đông mà còn đề xuất giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này.

Trước câu hỏi về việc làm thế nào để các bên cùng tham gia quản lý đại dương để sử dụng nó một cách có trách nhiệm. James lạc quan cho rằng Biển Đông đang ngày càng tập trung nhiều nhà khoa học biển hơn, và giải pháp ngoại giao khoa học được xem là khả thi nhất trong giai đoạn này. Ông cũng nói thêm, mặc dù việc tập trung vào môi trường không thể loại bỏ những tranh chấp tại đây, tuy nhiên, khi áp dụng giải pháp ngoại giao khoa học sẽ làm giảm bớt căng thẳng và cho phép Biển Đông thành một khối đoàn kết thay vì chia rẽ. Tác giả cho biết giải pháp này có thể giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan đến tranh chấp.

Theo James Borton, câu chuyện Biển Đông cần phải vượt lên trên chính trị để giải quyết vấn đề quan trọng hơn, có vai trò quyết định đối với hạnh phúc lâu dài của nhân loại. Vì lẽ đó, James gợi ý nên xem xét mô hình “Hội đồng Bắc Cực” như một công cụ ngoại giao để duy trì hòa bình ở Biển Đông.

Có thể nói, “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” là một quyển sách kích thích tư duy với lượng lớn tài liệu và số liệu nghiên cứu từ các nhà khoa học nhằm truyền tải cho người đọc về bức tranh đầy phức tạp ở Biển Đông. Nó không chỉ là quyển sách cất lên tiếng nói của người dân địa phương mà còn là tiếng nói chung của khoa học và quốc tế, từ đó bổ sung một góc nhìn mới cho cuộc thảo luận còn chưa có hồi kết này.

Việc đưa vào sách những cuộc trò chuyện thẳng thắn với ngư dân và các nhà khoa học khiến vấn đề trở nên cá nhân và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, những trình bày của James về các vấn đề phức tạp dưới góc nhìn bao quát cũng khiến quyển sách dễ tiếp cận hơn với nhiều độc giả. Do vậy, đây là quyển sách hoàn toàn phù hợp cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu thêm về vùng biển đầy tiềm năng nhưng cũng lắm tai họa này.

Nói về quyển sách, Tiến sĩ Binh Lai - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, nhận xét: “James Borton đã mang tới một quyển sách mới, sâu sắc và mang đậm dấu ấn cá nhân về những ngư dân Việt Nam đang bị mắc kẹt giữa những tranh chấp chủ quyền với các vấn đề an ninh môi trường.”

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Vì một tương lai bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO