Ngày 5/4, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại, dịch vụ và sản xuất Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Trưởng ban quản lý chung cư Carina) liên quan vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, quận 8) hồi tháng 3/2018 khiến 13 người chết, 72 người bị thương.
Là người đầu tiên được thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Tùng cho rằng tất cả những hành vi ghi trong cáo trạng chưa chính xác vì bị cáo không tham gia bàn giao hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) mà chỉ nhận bàn giao từ giám đốc tiền nhiệm, tiếp tục thực hiện hợp đồng giữa Công ty Hùng Thanh và Công ty SEJCO tiếp tục vận hành nhà chung cư.
"Bị cáo về Công ty Hùng Thanh làm việc từ 15/1/2017, kế thừa việc quản lý từ giám đốc tiền nhiệm nên việc kiểm tra là từ người đi trước", bị cáo Tùng nói.
Chủ tọa đặt câu hỏi: Dựa theo Luật PCCC, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư... bị cáo thực hiện việc kiểm tra hệ thống PCCC tại chung cư Carina như thế nào?
Bị cáo Tùng nói bản thân dựa hoàn toàn vào báo cáo chứ không có chuyên môn, nghiệp vụ, không kiểm tra hệ thống PCCC. Theo hợp đồng, Công ty SEJCO chịu trách nhiệm vận hành chung cư, trong đó có cả hệ thống PCCC.
Chủ toạ hỏi tiếp: Với tư cách là chủ đầu tư, nghĩa vụ theo luật định, bị cáo phải làm những việc này, bị cáo nói không biết nghiệp vụ nên không kiểm tra, không có chuyên môn vậy tại sao bị cáo nói cáo trạng không đúng?
Trả lời, bị cáo Tùng cho rằng, ông có kiểm tra nhưng không có chuyên môn và khẳng định có tháo máy bù áp cho đơn vị khác mượn nhưng không ảnh hưởng gì đến việc chữa cháy.
Bị cáo nói mình phát hiện SEJCO thực hiện không đúng hợp đồng nên đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu SEJCO thực hiện đúng hợp đồng.
Chủ tọa nói trách nhiệm sửa chữa là của bị cáo. "Bị cáo biết rõ tình trạng PCCC của chung cư Carina nhưng không làm hết trách nhiệm", chủ tọa nói.
"Bị cáo là cư dân ở chung cư Carina, vợ con bị cáo cũng ở đó. Bị cáo luôn mong muốn đem lại đời sống tốt nhất cho cư dân chung cư. Do đó, bị cáo không có động cơ gì để làm sai. Vì toàn bộ hư hỏng của chung cư không phải lấy tiền của bị cáo hay tiền của công ty mà là tiền của cư dân đóng nên bị cáo không có lý do gì để không chấp nhận đề xuất sửa chữa", bị cáo Tùng nói.
Trước HĐXX, bị cáo Tuấn nói cáo trạng của VKS là đúng. Tuấn cũng nhận thức được việc trách nhiệm của BQL là kiểm tra hệ thống PCCC của chung cư .
Bị cáo Tuấn cũng khai nhận biết được hệ thống PCCC không hoạt động nhưng chưa kịp đề xuất chủ đầu tư sửa chữa.
“Bị cáo mới chỉ quay trở lại làm trưởng BQL được 20 ngày thì xảy ra vụ cháy. Trên thực tế, những vi phạm về hệ thống PCCC cũng như hệ thống này đang không hoạt động thì chủ đầu tư cũng biết được thông qua biên bản kiểm tra hàng tháng, trong đó có chữ ký của đại diện chủ đầu tư. Nếu làm đúng trách nhiệm về PCCC thì vụ cháy này không xảy ra, giả sử có xảy ra thì không thiệt hại nhiều như vậy", ông Tuấn nói.
Theo hồ sơ, tối 22/3/2018, anh Đặng Ngọc Lâm (27 tuổi, quê Lâm Đồng) chạy xe máy để dưới tầng hầm chung cư Carina. Lúc 1h15 ngày 23/3/2018, lửa xuất hiện tại khu vực xe của anh Lâm. Đến 1h18, lửa bùng lên dữ dội.
1h23, hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, sau đó lửa cháy lan các xe máy và ô tô để trong hầm. Khói, khí nóng và khí độc theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng trên chung cư. Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hoạt động. Đám cháy ngày càng lớn nhưng không có nhân viên bảo vệ hay bất kỳ người nào phát hiện.
Tháng 4/2018, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM kết luận, nguyên nhân cháy là hệ thống dẫn điện của xe máy bị chập. Từ đây, đám cháy lan ra các hướng rồi bùng lên.
Cơ quan điều tra kết luận ông Nguyễn Văn Tùng đã được ban quản lý chung cư thông báo hệ thống trung tâm PCCC không hoạt động nhưng không triển khai sửa chữa, bảo dưỡng nên gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn đã thông báo để Công ty Hùng Thanh sửa chữa hệ thống PCCC, song với tư cách trưởng ban quản lý chung cư, bị cáo này đã không kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phải thay thế, sửa chữa nhằm khắc phục hệ thống vận hành báo cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Ngoài ra, việc không đóng cửa thang bộ thoát hiểm đã khiến khói độc theo đó lên các tầng trên làm nhiều người chết và bị thương, cũng thuộc trách nhiệm của ban quản lý.
Vụ án đã hai lần bị Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ về bồi thường thiệt hại.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Tùng và bị cáo Tuấn thừa nhận sai phạm. Công ty Hùng Thanh đã bồi thường tổng cộng gần 120 tỷ đồng.