Xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND: Nhiều nghệ sĩ thiệt thòi, chịu bất công?

04/12/2023 14:10

Phong tặng danh hiệu nghệ sĩ là "chuyện muôn thuở" nhưng vẫn gây tranh cãi mỗi đợt xét duyệt NSƯT, NSND vì nhiều bất cập trong tiêu chí, quy định.

Tranh cãi xét duyệt danh hiệu: Không hồi kết

Nhiều năm nay, vấn đề xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) luôn nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và khán giả.

Đây là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Theo quy định, nghệ sĩ phải đủ huy chương, đủ số năm lao động, gắn bó trong nghề diễn mới được làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu.

Tuy nhiên, tranh cãi về tiêu chí, thủ tục duyệt hồ sơ, hay những trường hợp trượt danh hiệu đáng tiếc mỗi đợt xét duyệt lại trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng chưa bao giờ đi đến hồi kết.

Xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND: Nhiều nghệ sĩ thiệt thòi, chịu bất công? - 1

Để được phong tặng danh hiệu NSND, "vua cải lương" Minh Vương trải qua hành trình gian nan (Ảnh: Facebook nhân vật).

Khán giả cho rằng nhiều nghệ sĩ thâm niên, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật lại không có tên trong danh sách. Cũng có ý kiến cho rằng một số người đạt danh hiệu NSND nhưng công chúng ít biết mặt, biết tên.

Trong đợt xét tặng danh hiệu năm 2016, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu... bị gạt khỏi danh sách xét duyệt NSND gây bất ngờ cho khán giả. Nhiều người xếp sau về thâm niên, sự cống hiến nghệ thuật so với các tên tuổi kể trên lại có được trao danh hiệu NSND.

Đặc biệt, đó là lần thứ 3 Minh Vương bị đánh trượt khỏi danh hiệu NSND khi đã lên tới những cấp cuối cùng. Thời điểm đó, dư luận bức xúc khiến cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho nghệ sĩ Minh Vương.

Xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND: Nhiều nghệ sĩ thiệt thòi, chịu bất công? - 2

Việc xét tặng danh hiệu của NSƯT Đỗ Kỷ trở thành tâm điểm chú ý những ngày qua (Ảnh: Toàn Vũ).

Năm 2022 là lần thứ 10 xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho các nghệ sĩ. Cũng như những lần trước, dư luận tiếp tục tranh cãi xoay quanh câu chuyện "bỏ sót" nghệ sĩ.

Đáng nói, kỳ xét tặng năm 2022 còn gây hồi hộp cho giới chuyên môn và khán giả bởi thời gian kéo dài... khó hiểu. Lẽ ra, kết quả phải công bố dịp Quốc khánh 2/9 năm ngoái. Song, đến nay, danh sách được xét tặng danh hiệu mới chỉ có kết quả đợt 1, chưa có kết quả cuối cùng.

Gần đây, câu chuyện xét tặng danh hiệu của NSƯT Đỗ Kỷ cũng trở thành tâm điểm chú ý của khán giả. Nam diễn viên nhận được thông báo dừng xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10 với lý do hồ sơ xét duyệt danh hiệu NSND "có đơn thư và ý kiến của Bộ Công an".

Vì những vướng mắc liên quan đến việc xét tặng danh hiệu, NSƯT Đỗ Kỷ đã gửi đơn xin "cứu xét" đến các cấp có thẩm quyền. Song, những văn bản phản hồi của cơ quan chức năng vẫn khiến nghệ sĩ không thỏa mãn vì "chưa cụ thể, minh bạch".

Đạt danh hiệu: Hành trình gian nan

Danh hiệu vốn để tôn vinh sự đóng góp của nghệ sĩ, nhưng hành trình đi đến danh hiệu lắm gian nan, nhiều quy định phức tạp. Những tiêu chí về số lượng giải thưởng, huy chương, thâm niên... bị cho là làm khó chính các nghệ sĩ.

Việc "quy đổi" huy chương trong tiêu chí xét duyệt danh hiệu gây ra nhiều bất cập. Có những nghệ sĩ chăm chỉ đi thi, giành huy chương, chỉ với mục đích được xét tặng danh hiệu và trở thành NSƯT, NSND rất nhanh.

Nhiều nghệ sĩ hoạt động lâu năm nhưng không có (hoặc ít) huy chương, nghiễm nhiên bị "đánh trượt". Có những nghệ sĩ cao tuổi, không còn cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan, bởi vậy, họ không có nhiều huy chương. Nếu xét theo quy định số lượng huy chương, những nghệ sĩ này không bao giờ được phong tặng danh hiệu, ngay cả khi họ thực sự tài năng?

Lại có nhiều nghệ sĩ có huy chương, có thâm niên, nhưng vẫn bị loại khỏi quá trình xét duyệt đơn giản vì... không đủ 80% phiếu bầu. Như đợt xét duyệt danh hiệu năm 2022, sự vắng bóng những nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu miền Nam như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Thoại Mỹ... từng khiến công chúng bất ngờ.

Xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND: Nhiều nghệ sĩ thiệt thòi, chịu bất công? - 3

NSƯT Lê Thiện là một trong những tên tuổi nổi tiếng ở lĩnh vực cải lương (Ảnh: Chụp màn hình).

Khán giả cho rằng NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Nguyệt có thể chưa đủ thành tích theo quy định nhưng có quá trình tham gia nghệ thuật lâu dài từ 30 đến 50 năm, để lại dấu ấn sâu sắc. Việc bị loại khỏi hồ sơ xét duyệt là điều bất công với những nghệ sĩ đã đóng góp hơn nửa đời người cho sân khấu.

Thời điểm đó, NSƯT Thoại Mỹ từng chia sẻ với phóng viên Dân trí cô khá buồn khi không có mặt trong danh sách 139 nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu NSND. Song, nữ nghệ sĩ tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa trong quá trình làm nghề.

"Tôi tâm nguyện đi theo nghề đến cuối cuộc đời, đến khi nào không đứng trên sân khấu nữa thì mới thôi. Dù danh hiệu là gì, tôi nghĩ có được sự ghi nhận của khán giả, thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn của một người nghệ sĩ", nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Cũng có những nghệ sĩ khẳng định được trình độ chuyên môn, sự cống hiến lâu năm và nhận sự yêu mến của đông đảo khán giả, nhưng vẫn chưa có danh hiệu vì... không làm hồ sơ "xin danh hiệu". Một số trường hợp điển hình của giới diễn viên, sân khấu phía Nam như Hồng Ánh, Thái Hòa...

Xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND: Nhiều nghệ sĩ thiệt thòi, chịu bất công? - 4

NSƯT Thành Lộc (Ảnh: Facebook nhân vật).

Một số nghệ sĩ giữ vị trí cấp quản lý nhà hát, không có thời gian tham gia các liên hoan sân khấu, các cuộc thi, nên không đủ huy chương để xét tặng danh hiệu. Đơn cử như trường hợp của NSƯT Thành Lộc.

NSƯT Thành Lộc bước lên sân khấu khi mới 8 tuổi, có hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật và được đặt biệt danh "phù thủy sân khấu". Song, kể từ đợt phong tặng NSƯT năm 2001 đến nay, Thành Lộc vẫn chưa được phong NSND.

Giới chuyên môn đánh giá Thành Lộc lẽ ra đã được phong tặng là NSND từ lâu, trước cả nhiều NSND đã được phong tặng vài năm gần đây. Mặc dù bản thân nam nghệ sĩ từng khẳng định không quan trọng danh hiệu, khán giả cho rằng việc chưa được xét duyệt NSND vẫn là điều bất công với Thành Lộc.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thành Lộc từng nêu quan điểm về cơ chế "xin - cho" danh hiệu: "Tôi không thích muốn được là NSND là phải đi làm đơn xin xỏ. Tại sao phải làm đơn xin?

Danh hiệu cao quý này phải được chính Hội đồng xét duyệt, nhìn nhận và tự đánh giá, phong tặng. Người nghệ sĩ không thể làm cái việc xin được phong tặng danh hiệu, tự kêu gọi mọi người đánh giá tài năng và sự cống hiến của mình".

Nên để chính nhân dân, khán giả bình chọn?

Một chuyên gia trong ngành cho rằng danh hiệu thực sự cao quý và có ý nghĩa cần do chính khán giả ghi nhận, bình chọn, để tránh bỏ sót các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến.

Chuyên gia nói với phóng viên Dân trí: "NSND là danh hiệu cao nhất của người nghệ sĩ. Nhưng danh hiệu này chỉ có giá trị khi nó được đo bằng tình yêu thương, sự công nhận của khán giả.

Chuyện xét duyệt hồ sơ, phong tặng danh hiệu cho những tài năng nghệ thuật là chuyện cần phải làm một cách công tâm, minh bạch của ngành quản lý văn hóa, nghệ thuật. Để sót những tài năng chính là có lỗi với khán giả".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một NSƯT giấu tên, có thâm niên trong nghề, cho biết nhiều người trong ngành không tránh khỏi việc chạnh lòng khi nhận thông báo trượt hồ sơ xét duyệt NSND. Tuy nhiên, họ quan niệm làm nghề vì đam mê, không phải vì "ham danh hiệu".

Nghệ sĩ này cho biết: "Nói không buồn là không đúng. Nhưng buồn không giải quyết được gì. Tôi nghĩ cứ tiếp tục cống hiến qua công việc mình làm, tự khắc khán giả sẽ thấy".

Khi được hỏi về việc bất cập trong các tiêu chí xét duyệt, nghệ sĩ đáp: "Vấn đề quy định để được danh hiệu đã bàn cãi nhiều năm rồi. Tôi không muốn nói thêm nữa vì nói nhiều lại không hay. Có những vấn đề hãy để cho lịch sử phán xét.

Khi tôi trượt hồ sơ NSND, cơ quan nhà nước không giải thích. Tới bây giờ tôi cũng không biết vì sao. Họ chỉ nói là không đủ phiếu bầu. Tôi tự hỏi phiếu trong Hội đồng quan trọng thế sao?".

Nghệ sĩ giấu tên cho biết sau quá trình xét duyệt thất bại, nghệ sĩ nhìn nhận rằng "mình chưa xứng đáng thì mình chưa được, ai hiểu sao thì hiểu".

"Tôi không cần phải làm đơn kêu cứu, trình lên các cơ quan chức năng như một số người đang làm. Khi học đạo đức diễn viên, chúng tôi được dạy rằng khán giả là người thầy trung thành, quan trọng nhất. Thành công của nghệ sĩ có sự đóng góp to lớn từ chính sự ủng hộ của khán giả. Đó là nguyên lý bất di bất dịch.

Tôi nghĩ rằng để khán giả đánh giá là tốt nhất. Tôi làm nghề, được khán giả viết thư động viên, tôi hạnh phúc lắm. Tôi đi ra đường, vẫn được khán giả nhận ra, chào hỏi, đó là nguồn động lực lớn rồi", nghệ sĩ này cho hay.

Một số ý kiến lại cho rằng dù khán giả là những người đánh giá công tâm nhất về sự cống hiến của nghệ sĩ, song để thực hiện được việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ dựa trên ý kiến công chúng, khán giả là "vô cùng khó".

Do đó, Nhà nước vẫn nên có những trường hợp đặc cách, hoặc những tiêu chí "mềm mại", linh hoạt hơn về phong tặng danh hiệu, để ghi nhận công tâm quá trình nỗ lực của giới hoạt động nghệ thuật.

Về vấn đề này, nghệ sĩ giấu tên nói với phóng viên Dân trí: "Trời cho khả năng bẩm sinh về nghệ thuật, thì mục đích của tôi là bao nhiêu sức lực, khả năng, tôi sẽ vét hết để hoạt động. Tôi làm hết sức để phục vụ cho những người yêu mến tôi, yêu mến nghệ thuật. Tôi không nghĩ làm là để đạt danh hiệu. Tôi không cần danh hiệu NSND".

Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 lần đầu tiên áp dụng theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo đó, để đạt được danh hiệu NSƯT, NSND, bên cạnh những tiêu chí về số năm làm việc, giải thưởng... hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tháng 7/2022, Bộ VH-TT&DL đã công bố 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 10 được trình lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Từ tháng 8 năm nay, Bộ VH-TT&DL đăng tải trên trang thông tin của Bộ danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, để lấy ý kiến nhân dân.

Việc lấy ý kiến của nhân dân đã được tiến hành trong 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước. Trong danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét duyệt NSND, cho đến nay, 77 người đạt tiêu chí, đã được thông qua.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND: Nhiều nghệ sĩ thiệt thòi, chịu bất công?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO