Căn nguyên của đề xuất mở rộng đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT đến từ góp ý về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) mới đây. Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu đề xuất đưa nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh và kiến trúc sư vào diện xét tặng danh hiệu nhân dân, ưu tú vì cho rằng công trình của họ là sự lao động sáng tạo nghệ thuật.
Một số nhà văn, nhà thơ, kiến trúc sư đã lên tiếng về đề xuất không cần thiết này trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ chối đề xuất xét danh hiệu này dành cho nhà văn. Lời từ chối chính thức được gửi bằng văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Trần Thị Thu Đông đề xuất mở rộng đối tượng xét danh hiệu nhân dân, ưu tú. |
“Các nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của nhân dân, các nhà văn có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội. Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng ‘nhà văn’ là cao quý, thiêng liêng”, ông Thiều cắt nghĩa.
Trao đổi với Tiền Phong, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Vi Kiến Thành chỉ ra sự không cần thiết của đề xuất mở rộng đối tượng xét danh hiệu nhân dân, ưu tú. Bởi người ta vô tình hoặc cố tình không để ý tới đối tượng xét tặng danh hiệu và giải thưởng.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ chối xét danh hiệu nhân dân, ưu tú cho các nhà văn. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH |
“Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước xét dựa trên tác phẩm do một người đứng tên sáng tạo. Còn danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú xét dựa trên sự cống hiến cá nhân của nghệ sĩ đó. Tác phẩm biểu diễn của họ là tác phẩm tập thể sáng tạo ra (chẳng hạn như sân khấu, điện ảnh, múa…). Các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu đều là nghệ sĩ biểu diễn”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Từ tiêu chí xét tặng đã được đưa vào Nghị định sẽ thấy rõ, các chuyên ngành như văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc sư thuộc nhóm xét tặng các giải thưởng chuyên ngành. Và cao hơn có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
Đề xuất mở rộng đối tượng xét nghệ sĩ là việc làm không cần thiết, không xuất phát từ mong mỏi của đa số những nhà văn, kiến trúc sư, nghệ sĩ nhiếp ảnh có lòng tự trọng và hiểu biết. Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn nêu quan điểm rất đĩnh đạc về vấn đề này trong bài viết Danh hiệu và danh dự, trong đó có đoạn: “Danh dự của người sáng tạo chính là những tác phẩm, công trình thực sự góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bồi đắp nhân văn, mang lại lợi ích lớn lao cho nhân dân. Bao giờ những nghệ sĩ, người lao động sáng tạo của chúng ta mới giảm bớt sự ham muốn cồng kềnh mang vác những danh hiệu, cả trong tư tưởng lẫn ngoài đời, để hiểu rằng “thừa” danh hiệu nhiều khi sẽ dễ dẫn tới thiếu danh dự?”.