Chị Nguyễn Phương Anh (42 tuổi, nhân viên văn phòng) thường sử dụng chiếc Toyota Vios đời 2020 để đi làm, với lộ trình từ phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đến phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Xe của chị Phương Anh có dung tích 42 lít, với giá xăng RON95 tại thời điểm tháng 12/2021 là 23.295 đồng/lít, mỗi lần đổ xăng hết 980.000 đồng là đầy bình đi làm trong vòng gần 1 tuần. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng liên tiếp tăng và đang cao lỷ lục với xăng RON95 là 32.870 đồng/lít, xe của chị Phương Anh phải đổ tới 1.390.000 đồng, tăng hơn 400.000 đồng/lần/tuần. Tính ra mỗi tháng chị Phương Anh phải tăng chi phí thêm khoảng 1,6 triệu cho tiền xăng để đi làm. Đó là chưa kể những lúc đi xa như về quê hay đi chơi trong ngày. Trong khi đó, thu nhập của chị vẫn đứng im tại chỗ, với vẻn vẹn 10 triệu đồng.
"Giá xăng tăng cao quá, không cầm cự nổi, nhiều tháng nay, tôi đã phải bỏ xó ô tô, chuyển sang đi xe máy cùng chồng vì cùng đường đi làm để tiết kiệm chi phí. Tôi không còn "lực" để nuôi một chiếc ô tô thời điểm này, bởi rất nhiều chi phí phải bỏ ra, ngoài tiền xăng còn chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, tiền gửi xe...Đặc biệt giữa lúc này, hàng gì cũng tăng giá", chị Phương Anh than thở.
Không chỉ chị Phương Anh, mà nhiều người khác đang sử dụng ô tô cũng phải chuyển sang đi xe máy hoặc xe đạp, thậm chí bán ô tô để trả gốc và tiền lãi vay ngân hàng…
Anh Lê Nam ở Vĩnh Hưng thời gian qua cũng "đắp chiếu" chiếc xe của mình để đi xe của công ty cho tiết kiệm chi phí. Công ty anh Nam làm có trụ sở ở bên Quế Võ (Bắc Ninh). Nhận thấy chi phí đổ xăng ngày càng "chát", anh Nam lập tức đăng ký đi xe đưa đón của công ty, chấp nhận đi xe ôm đến bến chờ và phải đi theo khung giờ quy định. "Dù không được chủ động và hơi phức tạp nhưng như thế còn đỡ hơn phải bỏ đống tiền ra đổ xăng. Chờ đến khi giá xăng hạ hẳn, tôi sẽ sử dụng lại xe để đi làm", anh Nam nói.
Anh Đào Hồng Tấn, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì phải đưa ra quyết định khó hơn là bán chiếc xe yêu quý của mình
Tháng 10/2021, gia đình anh Tấn tích lũy được hơn 200 triệu đồng và đã có một căn chung cư nên tính đến chuyện mua ô tô.
“Lấy bằng lái đã lâu, cộng thêm việc bạn bè sắm xe ngày càng nhiều, tôi cũng rất hí hửng với chuyện mua xe. Vợ tôi thì không ủng hộ vì gia đình sắp có em bé, sẽ cần nhiều khoản chi tiêu”, anh Tấn nói.
Anh đã chốt lấy chiếc một sedan hạng B của thương hiệu Nhật Bản, tính cả chi phí lăn bánh, ra biển số và lắp thêm một vài món phụ kiện nữa là tròn 500 triệu đồng, vay ngân hàng 250 triệu đồng, số tiền trả cả gốc và lãi trong 2 năm.
Anh Tấn kể, khi mới mua xe, giá xăng còn thấp nên tốn kém ở mức vừa phải. Nhưng bây giờ, chỉ tính riêng tiền xăng xe, mỗi tháng đã hơn 4 triệu. Gửi xe dưới hầm chung cư tòa nhà hết 1,2 triệu mỗi tháng, thêm 1,5 triệu gửi ở cơ quan và những việc phát sinh đi lại khác. Cộng cả tất cả các loại chi phí khác như bảo dưỡng, xăng dầu, phí gửi xe, lãi ngân hàng, mỗi tháng hết gần 7 triệu đồng cho ô tô.
“Nuôi con 5 triệu, "nuôi xe" gần 7 triệu, trả gốc và lãi hằng tháng 7,5 triệu đồng (theo gói vay 24 tháng, dư nợ giảm dần), chi phí sinh hoạt khác trong nhà khoảng 9-10 triệu. Gánh nặng tài chính đè lên tôi ngày càng lớn, nhất là khi thu nhập không thể cải thiện theo kịp mức tăng vật giá và chi phí sinh hoạt”, anh Tấn than thở.
Để cắt giảm chi phí, anh Tấn đã chuyển sang đi xe máy, đỡ được tiền xăng và tiền gửi xe ở công ty. Tuy nhiên vẫn mất tiền gửi xe ở nhà và phải trả gốc và lãi ngân hàng.
“Tính ra ngay cả khi "đắp chiếu" ô tô thì vẫn ngốn 3-4 triệu mỗi tháng tiền trả lãi ngân hàng”, anh Tấn nói.
Xe vẫn để trong hầm, chi phí gửi xe vẫn mất, lãi ngân hàng vẫn phải trả, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng vẫn tốn, cộng với giá xăng dầu tăng sốc buộc anh Tấn phải tính đến việc bán chiếc ô tô của mình.
“Đây là quyết định vô cùng khó khăn, khó gấp nhiều lần so với quyết định mua xe mà chúng tôi đưa ra cách đây gần một năm vì bán thì dễ, mua thì khó, biết bao giờ mua được. Hơn nữa, tôi mới mua xe được hơn 1 năm, đang rất yêu thích sự tiện lợi này. Nhưng tôi đã stress trong suốt thời gian dài qua vì suy nghĩ, áp lực kinh tế. Sau khi hai vợ chồng cùng bàn bàn, chúng tôi đi đến quyết định bán ô tô, chấp nhận lỗ một khoản”, anh Tấn than.
Anh Tấn cho biết thêm, từ đi ô tô rồi trở lại đi xe máy, anh đã cắt giảm được một khoản chi phí khá lớn, dành tiền để chăm nuôi con trong cơn "bão giá" hiện nay, nhất là không còn phải lo chắt bóp chi tiêu để mỗi tháng phải trả một phần tiền gốc và lãi ngân hàng…
Theo anh Tấn, việc chuyển từ đi ô tô về lại xe máy là chuyện chẳng dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, với giá xăng dầu và tất cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay thì cần thiết phải cắt giảm chi tiêu, mà việc trước tiên là cắt giảm chi phí xăng dầu, bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.