Chuyển dần trạng thái để dành nguồn lực phát triển KT- XH
Hiện một số ý kiến cho rằng ở thời điểm này Việt Nam cũng đã xác định thích ứng an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện, thì cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn. Đã đến lúc bỏ khái niệm F0, F1 và coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, cũng như trên thế giới, bản chất của virus SARS-CoV-2 dần dần sẽ trở thành bệnh truyền nhiễm chuyên khoa thông thường, quy mô không bao trùm như đại dịch nữa. Theo đó, số người bị, sự lây nhiễm nhanh, số người tử vong, ảnh hưởng hệ thống y tế giảm đi, không còn như khi dịch mới bùng phát.
Đưa ra lý do này, ông Hải cho biết nếu không coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu thì sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Khi đó việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nếu không ngân sách Nhà nước cũng không chạy theo kịp nếu cứ tiếp tục như thế này.
Để trông chờ vào ngân sách Nhà nước sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, dịch bệnh đã bước sang năm thứ 3 và gây tốn kém rất lớn cho Nhà nước về kinh phí cũng như nhân lực. Chuyên gia cho rằng, cần phải dần chuyển đổi trạng thái để dành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi hiện nay dịch SARS-CoV-2 được xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm). Ngoài việc huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch; trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch, thì việc khám chữa bệnh hoàn toàn Nhà nước phải chi trả, người dân chữa bệnh COVID-19 không mất tiền...
Còn khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do BHYT chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Nâng cao ý thức là yếu tố cốt lõi
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), trong tình hình hiện nay, công tác phòng chống dịch có lẽ đã bước sang một giai đoạn mới. Với việc dần coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu xóa bỏ các hạn chế, thậm chí tuyên bố hết dịch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, giờ không còn là quá sớm để Việt Nam chuyển hướng hành động theo trào lưu chung của thế giới. Trong nước, hầu hết các địa phương đều đã khắc phục được những hạn chế của cách tư duy theo hệ chuẩn zero COVID. Những giải pháp phòng chống dịch cực đoan gây khó cho người dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đang được giảm thiểu tối đa.
Theo ông, việc đo đếm số ca lây nhiễm có thể vẫn có ích cho việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược, nhưng quả thực ít có ý nghĩa thực tiễn. Bởi thống kê số ca mắc COVID-19 trong bối cảnh rất nhiều người bị nhiễm và tự khỏi hoặc biết mình bị nhiễm nhưng không khai báo như hiện nay là ít có ý nghĩa và cũng khó chính xác.
Khi đại đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ thì hãy sống bình thường, làm việc bình thường và phòng chống COVID-19 bình thường như chúng ta vẫn ứng xử với bất kỳ loại bệnh tật nào khác. Việt Nam không thể đóng cửa vô tận để chờ virus gây bệnh COVID-19 biến mất được.
Do vậy, trong tình hình hiện nay, người dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen để thích nghi với cuộc sống bình thường mới.
Trong báo cáo số 298 gửi Thủ tướng ngày 5.3, Bộ Y tế đề xuất cho F1 đi làm trong thời gian cách ly.
Theo đó, đối với F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
F1 cũng được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.