Xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa

21/04/2022 17:37

Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 1.

Phấn đấu năm 2030 "là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế" - Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực này.

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 "là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc"; tầm nhìn đến năm 2045 là "thành phố đáng sống, thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Đồng thời, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ "xây dựng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý nhà nước bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, phù hợp vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc".

Nhất trí ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, gần đây là Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng và Cần Thơ đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.

Xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 2.

Khánh Hòa cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược, năng lực tài chính và kinh nghiệm - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí ban hành Nghị quyết. Các đại biểu cho rằng, phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý, Khu kinh tế Vân Phong, cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Do đó cần quy định cụ thể đối với nhà đầu tư chiến lược phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực. Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu tương ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn tương xứng với tiềm lực của nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, cần lưu ý Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định đủ mạnh; cam kết nghĩa, ưu đãi đối với nhà đầu tư. Xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết. "Tôi rất lo ngại nhà đầu tư đăng ký lấy đất, để đó, không đầu tư, hoặc đầu tư không đồng bộ sẽ phá vỡ Khu Kinh tế Vân Phong", ông Trần Thanh Mẫn nếu vấn đề.

Ủy quyền, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ các quy định

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi của việc triển khai quy định đối với nhà đầu tư chiến lược. Để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm tương ứng với ngành nghề; có cam kết bằng văn bản về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần quy định rõ nội hàm chính sách được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, như cho phép nhà đầu tư chiến lược được khấu trừ bổ sung các chi phí về nghiên cứu phát triển đối với các dự án trong Khu kinh tế Vân Phong: "Tôi thấy Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị là rất đúng. Thứ hai, phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Tôi thấy điều này rất phù hợp với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị".

Đồng tình với việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị quy trình vẫn phải đảm bảo xin ý kiến các bộ, ngành.

"Phân cấp cho tỉnh, nhưng để chặt chẽ thì có quy định, quy trình lấy ý kiến các bộ, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Tôi thấy trong cơ chế thí điểm này nên có phân cấp, ủy quyền mà vẫn sát được. Nếu ủy quyền cho Khánh Hòa thì trách nhiệm lớn hơn. Cho nên quy định sao đó để đảm bảo được ủy quyền nhưng mà nó chặt chẽ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành đưa nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15, tỉnh Khánh Hòa sẽ được phép thực hiện các chính sách đặc thù như các tỉnh, thành phố khác đang thực hiện chính sách ưu đãi, như: Tăng thêm mức dư nợ vay; được ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ số tăng thu; được phân bổ thêm tỉ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng dự toán chi thường xuyên; địa phương được quyết định cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quyết định chuyển đổi mục đích đất trồng lúa dưới 500 ha, chuyển đổi rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Lê Sơn


Theo baochinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/xem-xet-ban-hanh-co-che-chinh-sach-dac-thu-cho-tinh-khanh-hoa-102220421171248159.htm
Copy Link
http://baochinhphu.vn/xem-xet-ban-hanh-co-che-chinh-sach-dac-thu-cho-tinh-khanh-hoa-102220421171248159.htm
Bài liên quan
  • 30 năm UNCLOS: ‘Cơ chế sống’, bền vững vượt thời gian
    Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có “tuổi đời” khoảng 50 năm kể từ khi bắt đầu đàm phán và tròn 30 năm kể từ khi có hiệu lực thực thi. Suốt hành trình đó, không phải ngẫu nhiên UNCLOS được các bên tham gia Công ước gửi gắm niềm tin như “la bàn của người đi biển”, được gọi tên là “hiến pháp” của đại dương.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO