Xem nông nghiệp như 'xương sống' của nền kinh tế: Đề xuất chính sách đặc thù

09/05/2024 17:10

Ngày 9/5, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp với Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.

Hội thảo nhằm phát huy tinh thần khởi nghiệp, trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng trong việc hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp; giới thiệu về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.

Nông nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Văn Thăng – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết bên cạnh hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Quốc tế cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Bản thân tôi đánh giá nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế nước ta. Do đó, áp dụng công nghệ, đi sâu vào chế biến các sản phẩm nông nghiệp là câu chuyện quan trọng và là trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, kể cả trường đại học”, PGS.TS Lê Văn Thăng chia sẻ.

le van thang

PGS.TS Lê Văn Thăng – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao - đã có những chia sẻ cụ thể về kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững và hiện đại dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có ý tưởng về công nghệ, khả năng đưa sản phẩm ra thị trường và kế hoạch kinh doanh khả thi.

Theo bà Huệ, hàng năm, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao tổ chức khoảng 30 khóa tập huấn liên quan đến khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, sở hữu trí tuệ,…; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm;…

“Chúng tôi đã giúp thương mại hóa khoảng 500 sản phẩm, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi như nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp hay tham gia chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không hoàn lại của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM với tổng mức chi phi 12,8 tỷ đồng”, bà Huệ cho biết.

Được biết, Trung tâm hiện đang có 70 doanh nghiệp ươm tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó 40 doanh nghiệp tốt nghiệp. Nhiều lĩnh vực nông nghiệp đang được Trung tâm hỗ trợ như: Nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ trồng cây trong điều kiện nhà màng không cần đất, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng cây dược liệu; nuôi thủy sản; chế biến bảo quản sau thu hoạch; công nghệ vi sinh, sản phẩm phân bón và chế phẩm sinh học;…

ba hue

 Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao - cho biết Trung tâm đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ khi thành lập cho đến nay.

Đặc biệt, bà Huệ cho rằng hạ tầng kỹ thuật và thiết bị nghiên cứu có vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã bỏ số vốn lớn cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

“Bỏ số vốn lớn để đầu tư cho sản phẩm, doanh nghiệp dễ gặp nhiều rủi ro và không còn kinh phí cho phát triển hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, Trung tâm đã có sẵn các cơ sở vật chất bài bản, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn đầu để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Huệ nhấn mạnh.

Cần nhiều hơn các chính sách đặc thù

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính thức khởi động từ năm 2016 sau khi có đề án của Chính phủ.

Từ đó đến nay, các hoạt động khởi nghiệp đã trở nên nhộn nhịp và được biết tới nhau nhiều hơn. Kết quả, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó TP.HCM có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp; hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam; 20 địa phương đã triển khai xây dựng các đề án xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh và 60 địa phương xây dựng đề án cấp phát vốn.

Mặc dù chính sách của Chính phủ đang phát huy hiệu quả và đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam lại không có điểm nhấn. Đây là điểm yếu khiến Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh khi thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia.

“Start-up của chúng ta chẳng để lại ấn tượng gì khi nhắc đến, trong khi nhắc đến các nước như israel là nhắc đến khởi nghiệp lĩnh vực an ninh mạng, nhắc đến Singapore là nói về công nghệ. Từ năm 2016 đến nay, chúng ta cũng không có thêm chính sách nào mới cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Trúc nói.

Theo bà Trúc, nếu không có chính sách đặc thù thì Việt Nam không thể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng hiện các văn bản pháp luật hỗ trợ trong lĩnh vực này chưa thực sự đi vào cuộc sống hay hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp.

dai dien so khoa hoc cong nghe

“Thành phố sẽ chỉ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở những giai đoạn có rủi ro nhiều nhất như ý tưởng, tiền ươm tạo, ươm tạo, tăng tốc,…”, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - phát biểu.

TP.HCM là địa phương duy nhất tính tới thời điểm này có chính sách đặc thù liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm các nhóm cơ bản: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ không hoàn lại từ ngân sách của thành phố cho những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập trên địa bàn thành phố và khởi nghiệp các sản phẩm dịch vụ mới.

Hiện HĐND TP.HCM đã phê duyệt 2 Nghị quyết liên quan đến thu hút các nhà khoa học và hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, Nghị quyết số 20 về hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia ra làm 3 gói chính sách. Cụ thể: Nhóm tiền ươm tạo phù hợp với nghiên cứu của thầy cô hoặc sinh viên các trường đại học, kinh phí hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng; Nhóm ươm tạo, tập trung cho các cơ sở ươm tạo và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã có sản phẩm mẫu, kinh phí tối đa là 80 triệu đồng; Nhóm thứ 3 là các dự án đã hoàn thiện của các cơ sở tư nhân hoặc Nhà nước, có thể gọi vốn đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo với mức hỗ trợ tối đa là 400 triệu đồng/dự án.

“Giai đoạn 2023 – 2028, TP.HCM sẽ tập trung phát triển bài bản, tập trung vào điểm mấu chốt, không dàn trải. Tôi đánh giá nông nghiệp được coi là thế mạnh của Việt Nam, chúng ta ứng dụng nông nghiệp như thế nào để tạo ra lợi thế là điều chúng tôi rất quan tâm”, bà Huệ nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhằm củng cố mối liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường khả năng hỗ trợ, kết nối phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã tái ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM.

Thỏa thuận hợp tác này nhằm phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên, khai thác và tận dụng hiệu quả các tiềm năng về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn trong hoạt động phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thương mại hoá ý tưởng của các giảng viên, sinh viên.

hop-tac-1608.jpg
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao tái ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM.

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao là đơn vị sự nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Trung tâm được thành lập nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hình thành doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xem nông nghiệp như 'xương sống' của nền kinh tế: Đề xuất chính sách đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO