Anh Nguyễn Văn Tráng, người quay lại được hình ảnh về đàn voọc, cho hay anh may mắn nhìn thấy loài linh trưởng này trong lần đi thăm nhà bạn vào chiều 2/3.
"Đàn voọc này có số lượng hàng chục con, cheo leo trên vách đá. Trước đó anh Nguyễn Văn Tào, một người dân địa phương đã nhìn thấy đàn voọc này và báo cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Tuy nhiên, khi cán bộ về để nghiên cứu, tìm hiểu thì đàn voọc lại không xuất hiện", anh Tráng nói.
Được biết, từ khi có thông tin xuất hiện đàn voọc quý hiếm này, cùng với việc tuyên truyền từ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các cơ quan chức năng trước đó, bà con ở xã Trường Sơn có ý thức bảo vệ rất cao.
Theo một số người dân tại xã Trường Sơn, bên cạnh voọc, ở núi Chông còn nhiều lần xuất hiện các cá thể khỉ.
Theo nhận định của người dân bản địa, tại khu vực núi đá cao không có nước và lá cây nên đàn voọc sẽ di chuyển xuống bờ suối, cũng như nương rẫy của bà con để tìm nước uống và kiếm thức ăn.
Voọc gáy trắng hay voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, là một trong những loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, cần ưu tiên bảo tồn. Voọc gáy trắng là loài đặc hữu của khu vực miền Trung Việt Nam và Lào.