Không thể thu hồi chi phí trông giữ, mất một phần diện tích bãi xe làm ảnh hưởng doanh thu, lại tốn kém chi phí quản lý đề phòng cháy nổ,… những chiếc xe gửi quá hạn không ai đến nhận đang khiến các chủ bãi giữ xe trên địa bàn TP.HCM “đau đầu”, nhưng xử lý như thế nào cũng không đơn giản.
Lằng nhằng thủ tục thanh lý
Bãi giữ xe của bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) có khoảng 250 xe máy gửi tại đây nhưng không có ai đến nhận suốt thời gian dài, từ năm 2018 đến nay. Những chiếc xe mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành nằm chỏng chơ, xiêu vẹo, hoen gỉ theo thời gian, khiến bãi xe ngày càng chật hẹp.
Theo ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe miền Đông, không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh thu của bến mà những chiếc xe vô chủ còn tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong công tác phòng chống cháy nổ vào mùa khô, như chi phí thuê nhân công giám sát, phun nước vào những ngày nắng nóng, xây lắp nhà kho...
"Việc thanh lý những phương tiện này cũng khá phức tạp", ông Đạt nói.
Còn tại bến xe miền Tây, dù đã có nhiều biện pháp đề phòng, như từ chối tiếp nhận các phương tiện quá cũ nát; thẻ giữ xe chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày… song lượng xe máy gửi quá hạn tại đây vẫn tăng đều qua các năm.
Chỉ tính từ tháng 6/2020 đến nay, bãi giữ xe của bến xe miền Tây đã có thêm 110 phương tiện không ai đến nhận, nâng tổng số lên 420 xe. Để có thể thanh lý số tài sản này, Bến xe miền Tây phải cử người cà số khung, số máy các phương tiện rồi lập danh sách gửi công an địa phương rà soát nhằm phát hiện xe gian, xe liên quan đến các vụ án.
Số xe vô chủ còn lại được lập danh sách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi kỳ đăng tốn 30 triệu đồng. Sau 1 năm, nếu không có ai đến nhận thì mới được thành lập hội đồng thanh lý theo quy định.
Cần phối hợp gỡ khó
Theo Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định về thủ tục xử lý, thanh lý đối với loại tài sản này đã có và được quy định rõ tại Điều 230, Bộ Luật Dân sự. Theo đó, chủ bến bãi nơi đang trông giữ xe gửi phải có trách nhiệm thông báo đến chủ sở hữu đến làm thủ tục nhận lại phương tiện.
Trường hợp không nắm được địa chỉ của người gửi xe, chủ bến bãi thông báo và giao nộp số phương tiện không có người đến nhận cho UBND hoặc công an cấp xã, phường ở địa phương nơi bãi xe đang hoạt động để xác minh. Sau khi có kết quả xác minh, chủ bến bãi sẽ đăng báo 3 kỳ công khai thông tin về các phương tiện này để chủ sở hữu biết và đến làm thủ tục nhận lại tài sản. Trong vòng một năm, nếu vẫn không ai đến nhận thì được phép thanh lý tài sản.
Để giảm thiệt hại và phiền phức do các phương tiện vô chủ gây ra, theo Luật sư Trần Minh Cường, doanh nghiệp kinh doanh bãi giữ xe cần sớm phối hợp với cơ quan chức năng xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo quy định.
Ngoài 2 bến xe trên, ở TP.HCM còn nhiều bãi giữ xe khác đều trong tình cảnh loay hoay tìm hướng xử lý các xe vô chủ, như bãi xe sân bay Tân Sơn Nhất, bãi xe của các bệnh viện…
Tình trạng này tồn tại từ nhiều năm qua, không chỉ gây tốn kém không cần thiết mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn phòng cháy chữa cháy, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Việc rút gọn hơn nữa các thủ tục thẩm định, thanh lý các phương tiện vô chủ đang là niềm mong mỏi của các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này.