Theo Nikkei Asia, Toyota dự định mở một nhà máy tại Thượng Hải vào khoảng năm 2027 để sản xuất các mẫu xe điệnLexus thế hệ tiếp theo. Cơ sở mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc của Toyota. Nhà máy mới sẽ do tập đoàn Toyota toàn quyền quản lý mà không qua bất cứ liên doanh với các đối tác nội địa nào.
Trước đây, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài muốn xây dựng nhà máy tại Trung Quốc phải hợp tác với một doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, hiện nay các hãng xe có thể vào thị trường Trung Quốc mà không cần liên doanh.
Với trường hợp của Toyota, hãng này đang hợp tác với 2 nhà sản xuất nội địa là FAW và GAC. Vào năm 2023, các liên doanh FAW-Toyota và GAC-Toyota đã sản xuất khoảng 1,75 triệu ô tô tại Trung Quốc.
Trong khi đó, xe Lexus được phân phối tại thị trường này chủ yếu nhập khẩu từ Nhật Bản. Thương hiệu hạng sang của Toyota đang có chỗ đứng vững chắc tại đất nước tỷ dân khi đã bán ra được 180.000 xe trong năm 2023, tăng 3% so với năm trước đó.
Việc xây dựng nhà máy tại Trung Quốc sẽ giúp tập đoàn Toyota nói chung và Lexus nói riêng tận dụng được nguồn lao động cạnh tranh, có tay nghề để sản xuất xe điện. Theo Nikkei Asia, Lexus đặt mục tiêu bán 1 triệu xe điện vào năm 2030 trước khi trở thành thương hiệu kinh doanh 100% xe điện trên toàn cầu vào năm 2035.
Mẫu xe điện concept Lexus LF-ZC. |
Nikkei Asia không tiết lộ mẫu xe điện Lexus nào sẽ được sản xuất tại nhà máy Thượng Hải, nhưng nhiều khả năng sẽ là bản thương mại của các mẫu concept LF-ZC và LF-ZL. Trước đó, lịch ra mắt của các mẫu xe mới này đã bị lùi từ năm 2026 sang năm 2027, khớp với thời gian dự kiến khánh thành nhà máy tại Trung Quốc.
Hai mẫu xe mới của Lexus được phát triển trên nền tảng xe điện thế hệ tiếp theo, sản xuất theo công nghệ đúc nguyên khối - gigacasting. Tại đây, các phần trước, giữa và sau của nền tảng xe sẽ được làm theo dạng mô-đun, cho phép Lexus nâng cấp pin và công nghệ mới trong tương lai mà không cần thiết kế lại toàn bộ.