3 đứa con chỉ mong có đứa theo nghề truyền thống
Trong dòng chảy hiện đại hoá không ngừng của TP.HCM, những hình ảnh về các xe chè truyền thống dần trở nên hiếm hoi. Tuy nhiên, có một gia đình tại quận 1 vẫn kiên trì giữ gìn và phát huy nghề làm chè truyền thống hơn 50 năm qua, mặc cho những thăng trầm của thời cuộc.
Đó là xe chè “Dương Quá” của cụ ông Nguyễn Văn Thể (76 tuổi) trên đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao. Cụ Thể đã bắt đầu công việc bán chè truyền thống này từ năm 1968.
Ban đầu, xe chè chỉ đơn thuần là một phương tiện mưu sinh của cụ và người chị để nuôi sống gia đình. Với vốn liếng là những công thức nấu chè truyền thống do người hàng xóm truyền lại, cụ Thể cùng chị gái đã dần xây dựng được uy tín và lòng tin của thực khách qua từng món chè ngọt ngào, thơm lừng.
Xe chè hơn nửa thế kỷ với 3 thế hệ lưu giữ nghề
Đến khoảng năm 2014, khi tuổi già sức yếu, xe chè được truyền lại cho người cháu dâu là bà Nguyễn Thị Nữ (54 tuổi) tiếp nối. Còn cụ Thể chỉ phụ việc bán chè để cho đỡ nhớ nghề truyền thống mà ông đã gầy dựng.
Nhưng việc giữ gìn nghề chè truyền thống của gia đình không hề dễ dàng. Bởi trong thời đại ngày càng có nhiều sự cạnh tranh từ các loại đồ uống hiện đại, quán trà sữa, cửa hàng tiện lợi, xe chè của gia đình bà Nữ đã phải đối mặt với nhiều thử thách.
Đặc biệt nhất vẫn là thử thách làm sao để phát triển nghề truyền thống. Bởi nhiều người trẻ không còn muốn làm những công việc thủ công như thế nữa.
Cụ Thể với biệt danh "Dương Quá" có công gầy dựng xe chè hơn nửa thế kỷ
Đang cặm cụi chuẩn bị cho xe chè được tươm tất, bà Nữ trải lòng: “Yêu nghề mới nấu được nha, tụi trẻ bây giờ thấy làm cực như vậy chắc nó không làm đâu. Tôi có 3 thằng con trai nhưng mà chưa đứa nào chịu cực được, chưa đứa nào chịu phụ mẹ làm đâu. Nhưng thôi kệ, bây giờ mình cũng còn khỏe, mình làm. Nhưng mà sau này tôi hy vọng sẽ có đứa nó theo nghề”.
Qua lời tâm sự của bà Nữ, chứng tỏ bà vẫn còn rất rất yêu nghề. Và chính niềm đam mê và ý thức giữ gìn hương vị truyền thống, bà Nữ đã không bỏ cuộc dù có cực nhọc đến đâu.
Sau khi bán xong trở về, bà Nữ sẽ nấu chè trong tối hôm đó, để sáng cụ Thể dậy sớm múc ra hủ để sẵn. Sau đó bà dậy chuẩn bị các món phụ để đến trưa mang ra bán. Thường ngày đẩy xe chè ra bán lúc 12h đến 18h sẽ về.
Theo bà Nữ, những năm trước dịch Covid, khoảng 2017 - 2018 xe chè này bán rất đắt khách. Có lúc bà về nhà nấu chè đến đến 2h sáng, sau đó ngủ một chút đến 6h là thức dậy làm tiếp. Đến 12h trưa đẩy xe ra bán, có lúc đông khách đến 20h mới về. Cũng nhờ cố gắng thức khuya dậy sớm vậy nên bà mới nuôi được các con ăn học.
Bà Nữ đã tiếp nối xe chè truyền thống được 10 năm
“Cũng yêu nghề mới thức khuya dậy sớm nấu rồi đẩy xe chè ra đây. Cực khổ lắm nhưng mà vui vì có nhiều khách hàng yêu thích chè của mình. Có nhiều người thích chè này lắm, cho nên tôi vẫn cố gắng bám nghề. Mình bán chè mà nghe người ta ăn khen ngon, mình cũng phấn khởi làm việc”, bà Nữ tâm sự.
Để có được lời khen từ khách hàng, bà Nữ tìm đến những nguồn nguyên liệu tự nhiên, sạch và an toàn từ các mối quen thuộc lâu năm. Đồng thời, bà luôn giữ nguyên quy trình nấu chè cổ truyền từ thế hệ trước. Từ việc ngâm đậu qua đêm, nấu bằng lửa nhỏ, cho đến việc điều chỉnh độ ngọt vừa phải phù hợp với khẩu vị khách hàng.
Bà Nữ cũng chia sẻ, từ hồi bệnh Covid đến giờ sức khỏe bị kém hơn nhiều nhưng bà vẫn cố gắng duy trì để cho con cháu nối nghề.
Không lên giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng
“Thôi kệ, ráng duy trì để sau này cho con nó nối nghề, chừng 7-8 năm nữa con ra bán và mình ra phụ nó một thời gian rồi bàn giao lại cho nó luôn, giống như cậu Thể giao cho tôi hồi trước đây. Như vậy cũng có người nối dõi nghề truyền thống, không lo bị thất truyền”, bà Nữ nói.
Chè truyền thống vẫn mang hương vị đặc biệt khiến món ăn vặt này lưu truyền hàng chục năm
Ly chè của bà Nữ vẫn giữ giá 15.000 đồng từ trước dịch Covid cho đến nay
Do đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nên xe chè của bà Nữ đã có nhiều khách quen, từ dân công sở đến học sinh, sinh viên. Mặc dù vậy, do tình hình kinh tế khó khăn chung, chè cũng không phải là món chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân nên hiện tại số lượng bán ra không còn nhiều như trước.
Theo bà Nữ, trước dịch bệnh ly chè có giá 15.000 đồng, hiện tại vẫn giữ giá như vậy dù mọi nguyên liệu đều tăng gấp đôi. Trước kia, bán chè có dư để đóng tiền học cho 3 đứa con, còn bây giờ chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Trước đây xe chè bán từ 300 - 400 ly chè, hiện mỗi ngày bán đắt lắm chỉ 100 ly
“Quán chè này có nhiều khách quen lắm, tại kinh tế đi xuống thành ra mình bị ảnh hưởng với chung thôi. Chứ nếu mà nó khôi phục trở lại thì bán được. Trước kia bán có dư để đóng học phí cho 2-3 đứa con. Bây giờ con lớn rồi, không còn lo khoản đó nữa, chứ nếu với giá bán bây giờ mà nuôi các con đi học nữa chắc không lo nổi. Hồi xưa tôi bán củ năng (nguyên liệu chè) bằng thùng 10 lít, một ngày bán 2 thùng như vậy. Trên cái xe này toàn là thùng bự không hà, bây giờ chỉ còn mấy cái hũ nhỏ thôi”, bà Nữ nói và cho biết, hồi trước xe chè bán được từ 300 – 400 ly, còn bây giờ 100 ly trần ai.
Vậy bây giờ cô làm cách nào để gìn giữ và phát huy cái nghề truyền thống này, đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay? – PV hỏi.
“Bây giờ mình không lên giá và vẫn đảm bảo chất lượng để duy trì xe chè này. Lời ít một chút, ăn ít một chút, đi chợ ít một chút,... nhưng mà nguyên liệu vẫn đảm bảo chất lượng. Minh chứng là vẫn còn có người tới mua chè là chè vẫn chất lượng. Xe chè hơn nửa thế kỷ vẫn giữ được khách có thể là món củ năng, được chế biến theo cách đặc biệt mà chỉ gia đình tôi mới có”, bà Nữ cho hay.
Khách hàng quen thuộc vẫn thường ủng hộ xe chè hơn 50 năm tuổi
Khách ngồi ăn chè tại chỗ mỗi khi có việc tạt ngang qua quán chè "Dương Quá"
Chè không chỉ là một món ăn ngon mà còn là niềm tự hào của gia đình 4 thế hệ của bà Nữ. Xe chè nhỏ bé ấy đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì, lòng đam mê, và tình yêu dành cho truyền thống trong lòng một thành phố luôn vận động.
Với gia đình bà Nữ, việc giữ gìn nghề chè không chỉ là kế sinh nhai mà còn là cách để gắn kết gia đình, lưu giữ hương vị tuổi thơ và chia sẻ nét đẹp văn hóa đến với mọi người.
Xe chè truyền thống cũng là minh chứng cho việc dù xã hội có thay đổi đến đâu, những giá trị truyền thống vẫn có thể sống mãi nếu có tình yêu, sự kiên trì và niềm đam mê không bao giờ tắt.