Xe bọc thép M113 của Mỹ giúp được gì cho Ukraine?

15/04/2022 09:06

Mới đây, Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho các Lực lượng vũ trang Ukraine 200 xe bọc thép chiến đấu M113.

Theo đó, có thông tin cho rằng các xe bọc thép được gửi cho Kiev ban đầu dự định đến Afghanistan, nhưng do thất bại ở quốc gia này, Mỹ đã quyết định chuyển hướng chúng cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Với số trang bị này Mỹ dự định sẽ bù đắp một phần những tổn thất mà quân đội Ukraine phải gánh chịu. Dự kiến Ukraine sẽ nhận thêm các lô xe bọc thép mới và các mẫu cải tiến được sản xuất trên cơ sở của chúng.

Xe bọc thép M113 của Mỹ giúp được gì cho Ukraine?
M113 sẽ giúp cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine trong bối cảnh trận đánh lớn ở khu vực Donbass sắp diễn ra. (Ảnh: Wikimedia)

Xe thiết giáp chở quân M113 là loại xe thiết giáp phổ biến nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại, vì trong hơn 60 năm chúng đã được sản xuất với số lượng kỷ lục khoảng 85 nghìn chiếc. Mặc dù đã có tuổi đời tương đối lớn so với các loại xe bọc thép khác nhưng chúng vẫn tiếp tục hoạt động ở gần 60 quốc gia trên thế giới.

Quân đội Mỹ bắt đầu trang bị xe bọc thép M113 từ những năm 1960 và chiếc M113 đã được sản xuất với 12 phiên bản khác nhau nhưng chủ yếu là các phiên bản M113A1, M113A2, M113A3.

M113 từng chiến đấu ở Trung Đông, được sử dụng trong cuộc đối đầu lâu dài và đẫm máu giữa Iran và Iraq, trong các sự kiện ở Vịnh Ba Tư và cuộc tấn công năm 2003.

Hiện vẫn chưa rõ phiên bản nào của M113 sẽ được cung cấp cho Ukraine. Ở phiên bản mới nhất, M113 có động cơ diesel 275 mã lực và trọng lượng chiến đấu lên tới 14.000 kg. Tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 64 km/h, nổi được ở quãng đường 5,8 km/h. Dự trữ nhiên liệu 480 km, sức chứa 13 người. Súng máy M2HB 12,7 mm được sử dụng làm vũ khí chính. Bộ giáp được làm bằng hợp kim nhôm và ở phiên bản cơ bản có thể chống được đạn súng máy 12,7 mm DShK từ khoảng cách 200 mét.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sự phát triển của các dòng vũ khí chống tăng mới, M113 tỏ ra dễ tổn thương và khung gầm đã lạc hậu để nâng cấp.

Giới chức quân đội Mỹ cũng đánh giá, xe bọc thép M113 không còn phù hợp với phương thức tác chiến cơ động hiện nay do nó không thể cơ động kịp các đơn vị xe tăng Abrams và xe chiến đấu M2 Bradley. Đặc biệt, M113 là mục tiêu rất dễ tổn thương trong môi trường tác chiến đô thị và bom ven đường. Điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc chiến tại Iraq.

Trước đó, hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 800 triệu USD.

Cụ thể, lô viện trợ quân sự lần này gồm 17 trực thăng, 300 máy bay không người lái, 500 tên lửa chống tăng Javelin, 200 xe thiết giáp chiến đấu, và các loại vũ khí khác. Số vũ khí này sẽ được đưa tới các nước đồng minh châu Âu có chung đường biên giới với Ukraine. Sau đó, lô vũ khí sẽ được chuyển vào Ukraine.

Thanh Bình (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xe bọc thép M113 của Mỹ giúp được gì cho Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO