Hình ảnh trên được chúng tôi ghi nhận khi có dịp ngang qua khu vực bên hông trường trung học cơ sở Lữ Gia (P.15 Q. 11 TP.HCM). Bà con ở đây cho biết, địa điểm này thu hút khá đông giới trẻ đến thưởng thức món ăn vặt độc đáo mà rẻ tiền: bò bía.
Ông Út với xe bò bía 1000đ/cuốn
Bò bía là một món ăn của người Hoa nhưng đã được Việt hóa tự bao giờ. Kết cấu để hình thành cuốn bò bía gồm chiếc bánh tráng cắt làm 4 để lên đó xà lách, tép khô, củ sắn (củ đậu) đang xào thật nóng, một miếng trứng nhỏ và 2 lát lạp xưởng thật mỏng rồi cuốn lại.
Ông bà Út "song kiếm hợp bích"
Hàng trăm cuốn bò bía thanh phẩm vẫn chưa đủ giao cho khách
Những vật liệu để cuốn thành cuốn bò bía chưa đủ để kết luận chất lượng mà phải đợi đến khi chấm vào tương đưa vào miệng mới nhận thấy hết cái ngon của bò bía.
Bưng dùm ông đi con
Xe bò bía của ông Nguyễn Văn Út nằm bên hông trường Lữ Gia đã hơn 20 năm nay. Hàng ngày, từ 9g sáng ông đã dọn hàng nhưng phải đến 10g30 mới có hàng để bán. Luôn luôn đông khách, vợ chồng ông làm việc không ngơi nghỉ đến sau 17g mới hết khách.
Phục vụ
Thưởng thức
"Anh nghĩ xem, khi mới ra bán, giá một cuốn chỉ 200 đồng. Thế mà 20 năm sau với tốc độ lạm phát phi mã giá cả mọi thứ tăng đến chóng mặt thì cuốn bò bía của ông Út cũng chỉ tăng đến 1000đ/cuốn. Hàng ngày, học sinh, sinh viên, người lao động đến với ông. Bò bía của ông hiện là thương hiệu nổi tiếng của giới ăn vặt". Một người khách vừa ăn vừa cho biết.
Ông Út đã ngoài 60 tuổi, xuất thân là thợ sơn xe hơi. Do xe mới nhập về quá nhiều nên nhu cầu sơn xe ít đi, ông đành chịu thất nghiệp. Con rể ông truyền lại cho ông nghề bò bía. Thế là ông cùng vợ bắt tay vào làm. Lúc đầu cũng chỉ tưởng làm cho qua thời buổi, không ngờ công việc đã cuốn hút vợ chồng ông hơn 20 năm nay.
Giao cho khách đứng đợi từ lâu
Ông Út cho biết, bò bía chỉ là món ăn chơi nhưng không vì thế mà làm cẩu thả. Tất cả các vật dụng chế biến đều được chúng tôi làm rất cẩn thận hợp vệ sinh và nhiều dinh dưỡng. Cái quan trong nữa là nước chấm. Nước chấm thường là nước tương được chế biến theo công thức bí truyền nên chúng tôi giữ được vị đặc trưng không nơi nào có được.
Quả đúng như lời ông Út. Nhiều khách hàng thừa nhận ăn bò bía ở đâu cũng không bằng nơi đây. Và họ đã tìm đến...
Chúng tôi ghé lại xe bò bía của ông sau giờ tan học. Học sinh ngồi trên lề đường cạnh ông. bên kia đường và những nơi có thể ngồi được. Từng nhóm xếp thành vòng tròn ở giữa có một chiếc ghế trống...
Vợ chồng ông Út đang tất bật. Dưới đường, ba người đi xe gắn máy đứng chờ. Nét mặt họ bình thản không có vẻ gì nôn nòng. Dường như ai nấy cũng đã quen với cảnh tương này.
Nhìn vào xe bò bía, bà Út đứng bên trái sắp một loạt 5 miếng bánh tráng. Bà bỏ xà lách và một chút tép rang lên đấy rồi bà đẩy sang bên ông. Ông bổ sung củ sắn và những thứ còn lại rồi cuốn. Cứ một đợt 5 cuốn. Nói thì chậm nhưng khi nhìn tận mắt mới thấy hai ông bà làm rất nhanh. Chẳng mấy chốc mà trên ngăn chứa thành phẩm đã đầy ắp bò bía.
Sảng khoái
Ông bà ngưng làm. Bà lo bổ sung nguyên liệu. Ông bắt đầu gói những gói hàng giao cho khách đang chờ. Ba người, 300 cuốn. Vậy mà chỉ trong tích tắc đã xong. Những người khách mới lại đến. Họ tiếp tục chờ. Trong khi đó, ông bưng từng đĩa bò bía vun cao đến từng bàn để vào chiếc ghế trống ở giữa. Những chén tương được mang tới sau đó. Các em học sinh cầm cuốn bò bía, chấm vào tương rồi cắn một miếng. Ngon quá. Tiếp tục chẳng mấy chốc mầy chục cuốn bò bía hết sạch.
Cứ đợt này xong lại tiếp đến đợt khác. Ông bà Út không còn chút thời gian ngơi tay. Những cuốn bò bía không sang trọng, không quí phái nhưng chứa chan kỷ niệm của tuổi học trò. Có những em nay đã lớn đã có địa vị trong xã hội thỉnh thoảng vẫn quay trở lại đây tìm chút dư vị của ngày xưa.
"Nhà tôi nghèo. Các em học sinh và khách hàng đến với tôi hầu hết là người nghèo. Chỉ có người nghèo mới hiểu nhau nên mới có cái giá 1000đ/cuốn từ nhiều năm nay. Và cũng vì cái giá này mà tôi luôn được gặp lại những người đã nuôi sống vợ chồng tôi trong suốt 20 năm qua." Ông Út vui vẻ tâm sự với chúng tôi như thế.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 26/01/2016
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/ganh-bo-bia-doc-nhat-vo-nhi-o-sai-gon-284106.html