Sống chung với thấm dột, ngập nước
Với nỗ lực ưu tiên xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý cho 38 dự án nhà ở trên địa bàn, chiều 1/3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã nghe báo cáo về dự án đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư lô số Cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh.
Cụm 8 chung cư lô số Cư xá Thanh Đa thuộc tổng thể 23 lô chung cư được xây dựng từ năm 1972. Sau hơn 50 năm sử dụng, hầu hết các toà nhà đã xuống cấp, mất an toàn.
Trong cụm 8 chung cư lô số có 2 lô đã phá dỡ năm 2012 vì bị nghiêng, lún. 6 lô còn lại được kiểm định cấp C và B, hiện là nơi sinh sống của gần 1.300 hộ dân.
Theo ông T.V, chủ sở hữu căn hộ 76m2 tại lô II, gia đình ông sống tại đây đã 13 năm rồi. Vì xây dựng đã lâu nên nhà của ông và nhiều căn khác thường xuyên bị thấm dột. Sửa sang được một thời gian thì tình trạng này vẫn tiếp diễn.
“Gia đình đông người mà căn hộ chỉ có một nhà vệ sinh, rất bất tiện. Dự án xây mới đã có thông tin từ năm 2017, nhưng đến nay người dân vẫn chưa biết chính sách bồi thường cụ thể ra sao?”, ông V. nói.
Theo ông V., do đã có dự án nên cơ quan chức năng không cho chuyển nhượng căn hộ. Một số người chuyển đi nơi khác thì bán sang tay cho người thân quen, với giá rẻ hơn thị trường.
Bà N.T.L (ngụ lô VIII) cho biết, nhiều năm qua, các hộ dân nơi đây sống trong tâm trạng chờ đợi. Căn hộ thì ngày càng xuống cấp, đường xá thường xuyên ngập nước mỗi khi triều cường lên, còn thông tin về bồi thường vẫn im bặt.
“Đa số các hộ dân sống ở đây hàng chục năm rồi nên rất muốn được tái định cư tại chỗ. Về chỗ tạm cư trong khi chờ xây dự án, theo tôi nên bố trí quỹ nhà gần chỗ cũ để cuộc sống của người dân đỡ xáo trộn, thay vì chi tiền để họ tự thuê nhà”, bà L. ý kiến.
Dự án "đứng hình" 8 năm
Theo quy hoạch, dự án xây mới cụm 8 chung cư lô số có diện tích 7,32ha, quy mô 7 toà nhà, chiều cao từ 38 – 45 tầng, dân số 8.000 người. Trong đó, 2 toà nhà bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân.
Để thực hiện dự án cần giải toả trắng 8 chung cư lô số, toàn bộ khuôn viên một trường học và 11 căn nhà.
Về pháp lý, sau khi UBND Q.Bình Thạnh kêu gọi đầu tư, tháng 4/2015 liên doanh gồm 5 doanh nghiệp đã trúng đấu thầu. Thời điểm đó, Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa có hiệu lực.
Năm 2016, UBND TP chấp thuận chủ trương cho liên doanh lập pháp nhân mới, là Công ty CP Phát triển nhà Thanh Đa (Công ty Thanh Đa), để triển khai dự án. Năm 2017, công nhận Công ty Thanh Đa làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2020, UBND Q.Bình Thạnh duyệt đề án quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500 của dự án.
Theo Sở TN&MT TP, vướng mắc tại dự án là cơ quan thẩm quyền chưa thống nhất áp dụng quy định của Luật Đất đai hay Luật Nhà ở để thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp áp dụng theo Luật Đất đai thì quy định và cơ sở thẩm định đơn giá từng tầng chung cư như thế nào để tính bồi thường tại thời điểm thu hồi đất?
Liên quan đến vướng mắc tại dự án này, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến hướng dẫn UBND TP thực hiện.
Căn cứ hướng dẫn từ Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng, Sở TN&MT TP cho rằng: Do 6 lô chung cư còn lại của dự án chưa giải toả và việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư qua đấu thầu trước khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, nên việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 6 lô còn lại được thực hiện theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở TN&MT đề xuất UBND TP giao UBND Q.Bình Thạnh phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 6 lô chung cư còn lại theo quy định của Nghị định 69.
Đồng thời, việc giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng cải tạo nhà chung cư xuống cấp được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Theo thông tin của PV VietNamNet, kết thúc cuộc họp chiều 1/3, UBND TP vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng để gỡ vướng pháp lý cho dự án mà chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát quy định pháp luật. Ngoài ra, chỉ đạo UBND Q.Bình Thạnh đề xuất phương án tối ưu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.