Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Bách Tùng - chuyên gia thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không; từng là nghiên cứu sinh tại Liên bang Nga, tốt nghiệp chuyên ngành hàng không. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bách Tùng liên quan tới định hướng quy hoạch vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Thường Tín.
Tìm vị trí sân bay là vấn đề rất phức tạp
Huyện Thường Tín là vị trí định hướng quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội. Hiện Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông đánh giá như thế nào về định hướng quy hoạch vị trí sân bay này?
- Theo tôi, vị trí ở Thường Tín có nhiều bất lợi. Tôi cho rằng phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đánh giá, tìm vị trí quy hoạch cảng hàng không - sân bay.
Sơ bộ tôi thấy rằng, vị trí ở huyện Thường Tín rất gần trung tâm Hà Nội, là vùng trũng và đông dân; đường bay có khả năng phải bay vòng vào nội đô thành phố - tức là vùng cấm bay.
Thường Tín cũng khá gần núi, gần phạm vi hoạt động khai thác của sân bay Nội Bài, vị trí này cũng gần 2 sân bay quân sự là Miếu Môn, Hòa Lạc… Theo quy định quốc tế, đường hành lang cho máy bay hoạt động là 20km, chiều cao mỗi đường bay cách nhau 300m, vậy nên việc quản lý vùng trời sẽ gặp nhiều khó khăn.
Được biết, quan điểm của Hà Nội là sân bay thứ 2 phải nằm trong địa giới thành phố nên định hướng vị trí đã phải thay đổi nhiều lần, cho đến nay định hướng vị trí ở Thường Tín đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Ông có cho rằng điều đó phù hợp?
- Tìm vị trí sân bay là vấn đề rất phức tạp về mặt kỹ thuật, cần phải cân nhắc rất cẩn trọng. Nếu lựa chọn một vị trí không phù hợp sẽ có tác động rất lớn về mọi mặt.
Với Thường Tín, vị trí này chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng trên dưới 20km, đây là khoảng cách quá gần nên cần phải thận trọng trong tính toán nghiên cứu vị trí, phải khảo sát rất kỹ. Vị trí này không loại trừ khả năng phải bay vòng vào khu vực nội đô thành phố, khi đó hoạt động của sân bay sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, gây ô nhiễm tiếng ồn và đặc biệt là không đảm bảo an toàn khai thác. Bài học này chúng ta đã thấy ở các sân bay cũ như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…
Theo tôi được biết, các sân bay ở khu vực Thường Tín, Ứng Hòa sẽ phải nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chạy dọc theo dãy núi. Thiết kế phương thức bay như thế nào thì cũng sẽ ảnh hưởng với luồng khai thác của sân bay Nội Bài.
Như vùng TPHCM, sân bay Long Thành được định hướng nghiên cứu từ năm 1997 nhưng tới năm 2002-2003 mới có thể trình Chính phủ đề án. Lý do là phải cân lên đặt xuống rất thận trọng.
20-25 năm mới xây dựng xong một sân bay
Để quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô, theo nghiên cứu của ông, vị trí xây dựng ở đâu tối ưu nhất? Trường hợp buộc phải lựa chọn ở phía Nam Hà Nội thì vị trí nào là khả thi?
- Tôi xin nhắc lại một lần nữa là tìm vị trí xây dựng sân bay là vấn đề kỹ thuật rất phức tạp và phải rất cẩn trọng, không thể định hướng trước được. Cảng hàng không - sân bay không giống như một bến tàu, bến xe đơn thuần, vì hoạt động của sân bay bao gồm cả vấn đề giao thông dưới mặt đất và giao thông ở trên trời.
Về mặt kỹ thuật, theo nghiên cứu của tôi thì tối ưu nhất là ở Thanh Miện - Hải Dương. Khu vực này có vị trí phù hợp là khu vực cánh đồng nên ít tác động tới khu dân cư. Đặc biệt, vị trí này hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các đường bay ra khỏi Nội Bài.
Vị trí ở Thanh Miện - Hải Dương đáp ứng tốt nhất về các điều kiện, yêu cầu trong nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng một sân bay mới; giúp giảm tải cho Nội Bài và không gây tác động tiêu cực về kỹ thuật, vấn đề dân cư, an sinh, môi trường, quy hoạch của Hà Nội; đặc biệt vị trí này sẽ đảm bảo vấn đề an toàn trong khai thác hàng không và quản lý vùng trời.
Trường hợp nếu buộc phải lựa chọn vị trí ở phía Nam Hà Nội thì tôi cho rằng định hướng xây dựng ở huyện Phú Xuyên sẽ phù hợp hơn là Thường Tín. Vị trí này cách trung tâm Hà Nội khoảng 40-50km, cách xa khu vực núi ở phía Tây Hà Nội và không gây nhiều tác động tới hoạt động khai thác của Nội Bài. Đây cũng là vị trí thuận lợi để dân cư ở các khu vực lân cận Hà Nội như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn… đều có thể tiếp cận sân bay thuận lợi.
Theo quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, sản lượng hành khách thông qua có thể đạt công suất 63 triệu người và 2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030 và con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách, 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050. Nếu sân bay thứ 2 chọn vị trí quá gần không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bay của Nội Bài mà còn có nguy cơ làm giảm hiệu quả đầu tư của sân bay lớn nhất cả nước.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết kế kỹ thuật cảng hàng không - sân bay, xin ông cho biết quy trình nghiên cứu, quy hoạch và xây mới một sân bay để đạt được hiệu quả tối ưu phải đáp ứng những điều kiện gì?
- Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất trong lĩnh vực hàng không là sân bay đó phải đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác; sân bay phải thuận lợi cho người dân tiếp cận sử dụng để đi lại; ít ảnh hưởng tới an sinh xã hội; được lựa chọn xây dựng theo phương án chi phí đầu tư thấp nhất…
Về quy trình nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng sân bay, trước tiên phải thuê tư vấn tìm vị trí và so sánh các vị trí xây dựng sân bay; đưa ra sơ bộ quy mô sân bay với thiết kế như thế nào, phân khu chức năng ra sao, sân bay chiếm dụng bao nhiêu đất, sau đó áp dụng các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu để đánh giá… Sân bay phải phù hợp với hướng gió thịnh...
Phải mất ít nhất từ 10-15 năm mới làm xong quy hoạch của một sân bay, thêm 2-3 năm lập FS, thiết kế kiến trúc và thi công xây dựng sân bay cũng phải mất từ 5-10 năm. Như vậy, nếu thuận lợi thì nhanh nhất cũng phải 20 năm mới xây dựng xong một sân bay, lâu hơn là 25 năm hoặc thậm chí kéo dài hơn nữa do tình hình thực tế.
Trong tiến độ khi làm quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay, tôi có khuyến cáo là phải sớm tiến hành tìm vị trí, vì khi tìm vị trí sẽ phải điều chỉnh hàng loạt các quy hoạch xung quanh. Để xây dựng sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô, từ nay đến năm 2030 Hà Nội phải tìm được vị trí phù hợp nhất.
Quy hoạch sân bay của các nước
Trên thế giới, việc xây dựng 2 hay nhiều sân bay ở Thủ đô đã có từ lâu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Malaysia… Quy hoạch sân bay và thực tế khai thác ở các nước như thế nào, thưa ông?
- Trước đây, khoảng cách các sân bay gần do vấn đề giao thông trên mặt đất khó khăn, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hiện đại, quy mô nội đô nhỏ bé.
Với quy mô nội đô ngày càng phát triển, xu hướng hiện nay sân bay mới được xây dựng theo tiêu chí cách xa sân bay hiện hữu và xa trung tâm thành phố khoảng 80km trở lên, nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của sân bay tới phát triển đô thị.
Những sân bay mới ở các nước trong khu vực có khoảng cách xa trung tâm thành phố như: Sân bay Incheon thay thế sân bay Gimpo được xây dựng ra ngoài vùng đảo để hạn chế tối đa tác động tới nội đô Seoul - Hàn Quốc; sân bay Đại Hưng ở Trung Quốc được xây dựng giảm tải cho sân bay Bắc Kinh và khoảng cách giữa hai sân bay rất xa nhau; sân bay Phố Đông ở Thượng Hải - Trung Quốc cũng cách xa sân bay Hồng Đào cùng thành phố.
Các sân bay ở Nhật Bản đa phần là các sân bay cũ nên vị trí nằm trong lòng thành phố, tuy nhiên quá trình khai thác nước này có những quy định rất ngặt nghèo để đảm bảo hạn chế tối đa tác động tới người dân và đô thị, chẳng hạn như máy bay bị cấm hoạt động vào ban đêm. Do đặc thù về vị trí địa lý nên sau này khi xây dựng sân bay mới Nhật Bản đều phải làm ở các vị trí lấn biển hay đảo nhân tạo như sân bay Kansai, Kobe, Nagoya hay đường cất - hạ cánh thứ 3 của Narita cũng làm ra biển.
Xin cảm ơn ông!