Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Tối ưu hóa mục đích sử dụng đất

Trường Giang| 23/09/2021 12:23

Sau 10 năm (2011 - 2020) thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Quy hoạch phải theo hướng đồng bộ, dự báo chính xác

Theo tổng kết đánh giá để xây dựng Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) do Bộ TN&MT thực hiện cho thấy, giai đoạn 2011 -2020, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thực sự trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai, được triển khai đồng bộ ở các cấp, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và là căn cứ quan trọng để Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đã phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần làm tăng giá trị của đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, nguồn thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm, cụ thể: năm 2013 là 63.681 tỷ đồng; năm 2014 là 69.580 tỷ đồng; năm 2015 là 102.045 tỷ đồng; năm 2016 là 145.801 tỷ đồng; năm 2017 là 185.957 tỷ đồng; năm 2018 là 217.699 tỷ đồng; năm 2019 là 232.689 tỷ đồng; năm 2020 là 254.854 tỷ đồng, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội. Có thể thấy nguồn thu từ đất chiếm 12% - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm…

Bên cạnh đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc đảm bảo giữ diện tích đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới; đảm bảo quỹ đất để khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế, nâng độ che phủ của rừng từ 39,10% năm 2010 lên 41,7% năm 2020…

Quy hoạch sử dụng đất đã phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: tình hình kinh tế - xã hội những năm qua của nước ta nói chung và của từng địa phương nói riêng gặp nhiều khó khăn đã tác động lớn đến việc thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án; một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ , ví dụ như Sân bay quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học... ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, như: việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội; việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý; việc phát triển nhanh các khu công nghiệp ở một số địa phương thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp.

Một vấn đề đáng quan tâm là việc đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số công trình, dự án trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tiễn trong nền kinh tế của đất nước đang phát triển; việc xác định chỉ tiêu, quy mô diện tích một số công trình, dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn cao so với khả năng thực hiện của địa phương do thiếu những luận cứ mang tính khoa học vì vậy chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, tính khả thi chưa cao.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được toàn diện và thực sự nghiêm túc, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt. Công tác giám sát mới chỉ chủ yếu thông qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn; nguồn lực, các phương tiện kỹ thuật, công cụ phục vụ cho công tác giám sát còn bất cập, lạc hậu, chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ cao trong việc giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính khách quan.

Xem xét tiêu chí “tĩnh” “động” đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

Trong Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) do Bộ TN&MT xây dựng sẽ thực hiện theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương; các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực của nhiều yếu tố tác động đến việc sử dụng đất.

Cụ thể, sẽ nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên về địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn, các nguồn tài nguyên, thổ nhưỡng,... làm cơ sở phân vùng các khu vực để quy hoạch bố trí sử dụng đất sử dụng đất phát triển bền vững. Phân tích xu hướng biến động của các loại đất trong thời kỳ 2011 - 2020 và xa hơn làm cơ sở dự báo nhu cầu đất đai; đồng thời là căn cứ để xác định nhu cầu sát với điều kiện thực tiễn của các địa phương.

Đặc biệt, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 còn xem xét tiêu chí “tĩnh” “động”, đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạn chế tác động biến đổi khí hậu, xác định bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và có chỉ giới đỏ khoanh vùng bảo vệ; tuy nhiên trong đó vẫn xem xét tiêu chí “động” để có thể linh hoạt điều chỉnh giữa các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu tổng thể quốc gia.

Giai đoạn 2010 - 2020, đã quy hoạch quỹ đất đáp ứng cho phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; thương mại - dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được mở rộng (năm 2020, đất dành cho phát triển các khu công nghiệp tăng thêm 18,81 nghìn ha, đất đô thị tăng 510,92 nghìn ha, đất phát triển hạ tầng tăng 176,63 nghìn ha... so với năm 2010), đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Theo baotainguyenmoitruong.vn
https://baotainguyenmoitruong.vn/xay-dung-quy-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-2050-toi-uu-hoa-muc-dich-su-dung-dat-331221.html
Copy Link
https://baotainguyenmoitruong.vn/xay-dung-quy-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-2050-toi-uu-hoa-muc-dich-su-dung-dat-331221.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Tối ưu hóa mục đích sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO