Xây dựng, củng cố và tạo nguồn cán bộ ở cơ sở - những vấn đề đúc rút từ Dự án 600

11/07/2021 22:32

LTS: Ngày 26-1-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, trong thời gian triển khai dự án tăng lên 64 huyện (Dự án 600).

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện dự án (2011-2017) và 4 năm sau khi tổng kết, Dự án 600 góp phần quan trọng giúp các xã khó khăn từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cùng cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn không ít vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Bài 1: Mong ước đổi thay vùng đất khó

Dự án 600 là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho các xã nghèo vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế-xã hội và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Qua khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, hơn 10 năm từ khi triển khai dự án, những “hạt giống đỏ” ngày nào được ươm trồng trong gian khó nay đã trưởng thành, phát triển không ngừng. Dư âm, hiệu quả mang lại từ dự án vẫn tiếp nối, lan tỏa.

Tri thức, mồ hôi và nước mắt

Từ trục đường chính vào trung tâm xã Túc Đán (Trạm Tấu, Yên Bái) dài gần 10km, tuy không quá rộng rãi, khang trang nhưng cũng tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Có đường bê tông, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều. Chúng tôi đến Túc Đán đúng lúc đồng chí Vàng A Giàng, Chủ tịch UBND xã đang cùng một số cán bộ phân bổ gần 19.000 cây quế cho đồng bào trong chương trình hỗ trợ nhân dân thoát nghèo. Vàng A Giàng là một trong số 20 đội viên thuộc Dự án 600 của tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Lương Hải Hưng (thứ hai, từ phải sang), công chức văn phòng của UBND xã Tả Van Chư (Bắc Hà, Lào Cai), nguyên đội viên Dự án 600, giới thiệu mô hình trồng mận Tả Van.  Ảnh: VIỆT HÀ

Gặp Vàng A Giàng, nếu không có tấm biển ghi tên thì không ai nghĩ đây là Chủ tịch UBND xã. Đôi bàn tay xù xì, chai sạn, khuôn mặt đen sạm, trông anh già hơn nhiều so với tuổi 35. Anh cho biết: “Nguồn kinh phí mua cây quế giống một phần do trên hỗ trợ, phần còn lại từ sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức xã. Theo đó, hằng năm, mỗi cán bộ, công chức, viên chức tùy vào khả năng tự nguyện hỗ trợ kinh phí để mua cây giống, con giống giúp đồng bào thoát nghèo. Khí hậu và thổ nhưỡng ở Túc Đán rất thích hợp với việc trồng cây quế. Nếu trồng và chăm sóc tốt, đến năm thứ 6, cây quế bắt đầu cho thu hoạch và trong vòng 15 năm tổng thu nhập 1ha quế sẽ đem lại giá trị kinh tế hơn 500 triệu đồng”.

Nét mặt hồ hởi khi vừa xếp hơn 700 cây quế giống lên xe, anh Sùng A Cu, là hộ nghèo ở thôn Tá Khoan (xã Túc Đán) tâm sự: “Nhà mình trước đây nghèo lắm, không đủ ăn. Được lãnh đạo xã hỗ trợ máy tuốt lúa, bình phun thuốc và máy cày loại nhỏ, rồi dạy cách sử dụng để mình làm đất, làm nương trồng cây phát triển kinh tế. Có máy móc, mình còn đi làm thêm nên kinh tế gia đình cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Năm nay, gia đình mình lại được xã hỗ trợ cây quế giống, mình sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Có được sự hỗ trợ này, mình thấy công của Chủ tịch UBND xã Vàng A Giàng lớn lắm”.

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc, đồng chí Vàng A Giàng chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày đầu được tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã Túc Đán. 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã Túc Đán chiếm gần 91%. Đường từ trung tâm xã đi các thôn, bản rất khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng của địa phương gần như không có gì. Năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, có những lúc anh tưởng như mình không thể vượt qua khó khăn và hoàn thành được nhiệm vụ. Đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch UBND ở xã đặc biệt khó khăn là một thử thách, áp lực vô cùng lớn, trong khi những kiến thức được học còn khoảng cách rất xa so với thực tiễn ở cơ sở.

Nhiều đêm thức trắng suy tư, trăn trở trước cái đói, cái nghèo của bà con trong xã, Phó chủ tịch UBND xã Vàng A Giàng quyết tâm đưa những kiến thức được học vào thực tiễn để giúp bà con thoát nghèo, giúp địa phương phát triển. Theo đó, anh mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, như: Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình thâm canh lúa J01 của Nhật Bản, cho năng suất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, giá thành cao và vận động bà con làm theo... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Túc Đán giảm xuống còn 60,2%. Toàn xã có gần 20km đường giao thông liên thôn, liên bản được đổ bê tông, kiên cố hóa...; nước sạch, vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện rõ nét. Những thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ cả về công sức, trí tuệ của đội viên Dự án 600 Vàng A Giàng. Từng bước khẳng định được năng lực trên cương vị công tác, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã ủng hộ, tháng 9-2020, Vàng A Giàng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Túc Đán.

Những ngày khảo sát tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện của đồng bào các dân tộc nơi đây kể về tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của các đội viên Dự án 600 qua những công trình, phần việc thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và các mô hình giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Ở xã Bản Mế (Si Ma Cai, Lào Cai), bà con nơi đây vẫn duy trì tốt các mô hình nuôi lợn đen, cá chép thả ruộng, trồng cây sa nhân tím, trồng rau vụ đông... do đồng chí Bùi Thị Chung, nguyên đội viên Dự án 600 tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã (nay là Chủ tịch UBND xã Nàn Sín) xây dựng. Hay mô mình trồng cây dược liệu Atiso của đồng chí Phạm Văn Điều, Phó chủ tịch UBND xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai); mô hình trồng cỏ và tích trữ thức ăn cho trâu, bò vào mùa đông để chống đói và chống rét của đồng chí Đỗ Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND xã Tà Mùng (Than Uyên, Lai Châu). Những mô hình cụ thể ấy đến nay vẫn được bà con áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Những bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi heo hút đèo mây được khoác lên mình bộ áo mới, với những con đường bê tông uốn lượn như dải lụa mềm vắt ngang sườn núi, nối bản làng với trung tâm xã. Lúa, ngô đầy bồ, nhiều nhà sắm được ti vi, xe gắn máy, tủ lạnh..., cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no, đủ đầy. Đó là “trái ngọt” được kết thành không chỉ từ tri thức mà còn từ mồ hôi, nước mắt của các đội viên Dự án 600.

Đánh giá về kết quả trên, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án 600, khẳng định: “Các đội viên dự án khi về địa phương công tác đã thể hiện được tinh thần chủ động, sáng tạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hầu hết đội viên đều tích cực, chủ động bám nắm địa bàn, từ đó tìm hướng đi tốt nhất, nâng cao tính khả thi trong thực hiện các đề án, mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi đội viên dự án còn là tấm gương chân thực nhất, làm thay đổi nhận thức của bà con về nhiều mặt của đời sống xã hội”.

Như luồng gió mát thổi về cơ sở

Khuôn viên làm việc sạch sẽ, ngăn nắp; cán bộ, công chức, viên chức xã mặc áo sơ mi, quần âu, sơ vin gọn gàng... là nét văn hóa công sở gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi ở xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai)-một xã vùng sâu của huyện vùng cao. Nét văn hóa công sở ấy được đồng chí Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã xây dựng theo mô hình văn hóa công sở khi anh còn là đội viên Dự án 600 đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán. Được biết, việc đầu tiên anh Sơn bắt tay vào làm khi về đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán không phải là xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho bà con, cũng không phải đi về các thôn, bản để bám nắm địa bàn, mà là... dọn dẹp vệ sinh trụ sở UBND xã.

Phong cảnh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: TUẤN HUY.

Anh Sơn chia sẻ: “Ngày ấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã còn xuề xòa trong cách ăn mặc, thường xuyên đi muộn, về sớm. Phòng làm việc thì bừa bãi, khuôn viên trụ sở UBND xã cỏ dại mọc tràn lối đi... Từ thực tế ấy, tôi tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã thực hiện đổi mới tác phong công tác, xây dựng văn hóa công sở, bắt đầu từ cách mang mặc đến duy trì nền nếp vệ sinh. Nói thì đơn giản, nhưng để từng việc thực sự hiệu quả thì không dễ chút nào, bởi nó phải được thay đổi từ nhận thức. Thế là cùng với việc tuyên truyền, vận động, cứ cuối giờ chiều hằng ngày, tôi trực tiếp cầm chổi quét sân, cầm dao phát cỏ. Ban đầu tôi vận động những cán bộ, công chức trẻ tuổi, rồi sau đó tạo thành phong trào và được duy trì thành nền nếp. Hoặc, vào mỗi dịp sinh nhật, lễ, Tết, tôi thường tặng anh em cán bộ, công chức ở xã những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, như; Cà vạt, quần, áo, xà bông tắm... "Mưa dầm thấm lâu”, ban đầu là vận động, sau đó từng bước chúng tôi xác định trở thành những tiêu chí trong đánh giá thi đua, khen thưởng hằng tháng, hằng năm đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức...”.

Những ngày khảo sát thực tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi nhận thấy rõ thực tế, hầu hết đội viên Dự án 600 với trình độ chuyên môn được đào tạo và kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về công tác hành chính, quản lý, điều hành được tập huấn đã góp phần rất quan trọng, làm thay đổi căn bản lề lối làm việc, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Như cách ví von của đồng chí Hoàng Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai): “Đội viên Dự án 600 như luồng gió mới thổi về cơ sở, không chỉ tích cực đưa các xã nghèo vươn lên về kinh tế mà còn mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi lề lối, tác phong công tác, nâng cao chất lượng xử lý văn bản hành chính và ứng dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính ở cơ sở”.

Cùng chung quan điểm này, theo đồng chí Khang A Chua, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái), giai đoạn từ năm 2012 trở về trước, hơn 90% cán bộ, công chức ở các xã vùng cao khó khăn là người lớn tuổi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế. Thực hiện Dự án 600 đã bổ sung cho cơ sở những cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, có trình độ, có tri thức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện xuống địa bàn xã. Sự xông xáo, nhiệt huyết, trách nhiệm của trí thức trẻ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xã, góp phần rất quan trọng đổi mới lề lối tác phong làm việc. Đội ngũ cán bộ, công chức xã đã chủ động, tích cực cụ thể hóa các chương trình hành động theo nghị quyết của đảng ủy xã và làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp trên...

Qua tổng kết Dự án 600 của Bộ Nội vụ (tháng 8-2017) và thực tế khảo sát ở các địa phương, chúng tôi thêm khẳng định dự án thành công trên nhiều phương diện. Đội viên dự án tăng cường cho các xã khó khăn giúp địa phương có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết khâu yếu, việc khó và củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở. Quá trình thực hiện dự án, nhiều đội viên khẳng định rõ trình độ năng lực, năng động, sáng tạo, giúp địa phương có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, tạo niềm tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

(còn nữa)

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 5 năm thực hiện dự án (2011-2017), đã có 351 đội viên chủ động tham mưu, đề xuất kế hoạch và trực tiếp triển khai 834 chương trình, đề án, mô hình phát triển kinh tế-xã hội; trong đó 822 mô hình (chiếm 98,6%) được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Các đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Số đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng đều qua các năm (năm 2013 có 132/580, năm 2014 có 183/575, năm 2015 có 168/560 và năm 2016 có 128/523 đội viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

Nhóm phóng viên Báo QĐND

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng, củng cố và tạo nguồn cán bộ ở cơ sở - những vấn đề đúc rút từ Dự án 600
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO