Xăng dầu nóng rẫy, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sắp phải giải trình

23/02/2023 18:14

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sắp tới sẽ phải giải trình về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa XV vừa có công văn mời các doanh nghiệp xăng dầu tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Giấy mời do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ký và phiên giải trình sẽ diễn ra vào ngày 28/2 tới đây. Trong thư mời, Ủy ban Kinh tế ghi rõ cơ quan giải trình là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Hiện nay, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.

Tuy nhiên, trong vòng hơn một tháng qua, hai Bộ này từng công khai đùn đẩy nhau quản lý xăng dầu. Ban đầu, Bộ Tài chính lẫn Bộ Công Thương đều muốn "nhường" bộ còn lại quản lý xăng dầu. Đến khi Bộ Công Thương đổi ý, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm.

Xăng dầu nóng rẫy, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sắp phải giải trình - 1

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính từng nhiều lần công khai "nhường" nhau quản lý xăng dầu (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước đó, VCCI tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu" với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp kiến nghị ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối.

Cụ thể, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang, đề nghị quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3-5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2-2,5%.

Đồng quan điểm, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - cho rằng chi phí, lợi nhuận định mức xăng dầu cần phải chia 3 khâu gồm đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Theo ông, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ phải bằng 5-6% giá bán, còn lại cơ quan chức năng trực thuộc cần tính toán cho hợp lý.

Ngoài ra, Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần phải có quy định về mức chiết khấu tối thiểu, cụ thể xem chiết khấu như một khoản chi phí trong kinh doanh xăng dầu. Điều này giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống biến động của thị trường.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dầu khí Hải Long, đề xuất doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều đầu mối.

"Nếu có 1-2 hay thậm chí 3 đầu mối có hợp đồng mua bán xăng dầu với thương nhân phân phối đều bị xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian vừa qua thì thương nhân biết nhập hàng từ đâu? Chưa kể, các đầu mối có thể liên kết ép giá, khống chế chiết khấu cho thương nhân phân phối", ông Toàn nói.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xang-dau-nong-ray-bo-cong-thuong-bo-tai-chinh-sap-phai-giai-trinh-20230223164857438.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xang-dau-nong-ray-bo-cong-thuong-bo-tai-chinh-sap-phai-giai-trinh-20230223164857438.htm
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Xăng dầu nóng rẫy, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sắp phải giải trình
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO