Nhiều nhà xe không giảm giá
Đội xe 10 chiếc của ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Giám đốc Công ty Vận tải Ba Châu (chạy tuyến TPHCM - TP Cần Thơ - Ô Môn) những ngày qua lăn bánh đều trong sân đỗ Bến xe miền Tây (TPHCM). Để giữ 10 đầu xe trọn vẹn qua đợt dịch COVID-19, ông Hiệp đã bán đi mảnh đất trị giá 5 tỷ đồng ở Cần Thơ để trả nợ vay ngân hàng và lấy tiền nuôi xe, trả lương nhân viên.
Cước vận tải giảm nhỏ giọt dù giá xăng giảm sâu Ảnh: HT |
Theo ông Hiệp, lần giảm giá xăng dầu này, Công ty Vận tải Ba Châu vẫn giữ nguyên giá vé 150.000 đồng/vé. Lý do đưa ra là từ trước đợt dịch COVID-19 đến nay, nhà xe vẫn không tăng giá vé. Ông Phạm Thanh Duyên, chủ nhà xe Duyên Hà (chạy tuyến TPHCM - Đắk Nông) cũng cho biết, vẫn giữ nguyên giá vé bởi trước đó, nhà xe cũng đã không tăng giá dù giá xăng dầu tăng cao.
Theo đại diện Bến xe miền Tây, sau các đợt biến động giá xăng, dầu từ đầu năm 2022, có 85/125 doanh nghiệp, tổ chức kê khai tăng giá vé. Tính đến ngày 20/9, Bến xe miền Tây chỉ nhận được bảng kê khai giảm giá vé của 16 doanh nghiệp, mức giảm từ 5 đến 12% sau các đợt điều chỉnh giảm giá nhiên liệu vừa qua.
Tại Bến xe miền Đông, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, đã có 25/143 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách gửi kê khai giảm giá vé, mức giảm bình quân khoảng 8%.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, Giám đốc Taxi Vinasun, trong lần điều chỉnh cước gần đây nhất, hãng xe này đã đăng ký thủ tục giảm giá cước 1.000 đồng/km. Ông cho biết, xăng dầu giảm giá là tin mừng với các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, việc giảm cước theo giá xăng dầu không hề dễ dàng. “Điều chỉnh cước taxi phải theo đúng quy trình.
Không chỉ kê khai, đăng ký giá với cơ quan quản lý, doanh nghiệp còn phải đưa hàng nghìn xe đi lập trình lại đồng hồ. Mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn rất nhiều thời gian, chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là khoảng 300.000 đồng/xe”, ông Hỷ cho hay.
Nhiều mặt hàng tại chợ đã giảm giá nhưng sức mua rất yếu (Ảnh chụp tại chợ Bà Chiểu). Ảnh: U.P |
Mua bán ế ẩm
Ghi nhận của PV tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM), bà Dương Mai, chủ sạp 574 cho biết, giá thịt heo (lợn) đang giảm những ngày qua. Hiện tại, giá heo móc hàm bán sỉ là 93.000 đồng/kg. Sau khi pha lóc đưa ra thị trường, sườn non có giá 170.000 đồng/kg, cốt lết 110.000 đồng/kg, nạc đùi 100.000 đồng/kg… Theo bà Mai, mức giá này đã giữ từ tháng 4 đến nay nhưng sức mua rất chậm.
Gần trưa, bà Nguyễn Thị Thu Trúc (sạp 622) đã rục rịch dọn hàng vì sức mua yếu. Tiểu thương có gần 50 năm bán hàng tại chợ Bà Chiểu cho biết, giá trứng gia cầm đã “giảm nhiệt” đôi chút, trong đó trứng gà loại 1 giá 37.000 đồng/chục, trứng vịt từ 35.000-40.000 đồng/chục.
“Chưa bao giờ sức mua trứng lại chậm như lúc này. Bán cho khách mua lẻ có khi chưa được 20 trứng/ngày, còn lại chủ yếu cung cấp cho khách mua đi bán lại. Giá thức ăn cho gia cầm vẫn còn cao, nhiều người bán buôn không còn lãi nên bỏ sạp, dẫn đến nguồn cung ra thị trường ít. Do đó, giá trứng hầu như khó giảm sâu”, bà Trúc cho hay.
Tại nhiều chợ dân sinh khác như chợ Bàn Cờ (quận 3), chợ Bình Tây (quận 5), chợ An Lạc (quận Bình Tân)… giá các loại thực phẩm như rau xanh cũng đã giảm từ 5 đến 10%. Cụ thể, cải rổ 18.000 đồng/kg, khoai lang 15.000 đồng/kg, bầu bí 20.000 đồng/kg, hành lá 45.000 đồng/kg…
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), các sản phẩm chế biến từ thịt đang giảm giá 10-20% từ nay đến hết năm dù ảnh hưởng lạm phát và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo ông Dũng, công ty của ông sẽ giữ giá nhiều mặt hàng và có thêm nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu.
Các doanh nghiệp kinh doanh trứng như Công ty TNHH Ba Huân, Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt… cho biết, theo chương trình bình ổn giá, hiện nay giá trứng gà, trứng vịt đang thấp hơn giá thị trường 10-15% nên DN vẫn đang lỗ vốn, khó có thể giảm thêm giá trứng dù cước phí vận chuyển có giảm do giá xăng dầu giảm.
“Trong cơ cấu giá thành sản phẩm trứng gia cầm, chi phí vận tải không chiếm nhiều. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nếu có thay đổi về giá thì có lẽ đến hết tháng 10 mới biết được” - bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân nói.
Theo bà Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Ban Quản lý chợ Bà Chiểu, giá thực phẩm tại chợ như trứng gia cầm, dầu ăn, rau củ đã giảm khoảng 10% từ gần 2 tháng nay. Tuy nhiên, do mãi lực của chợ đang rất thấp nên Ban quản lý chợ liên kết với doanh nghiệp bán hàng qua mạng, tổ chức chương trình khuyến mãi để kéo sức mua dịp cuối năm.