Xác minh nguồn gốc đất và cây bị chặt phá ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

Đức Văn| 30/08/2023 08:00

Diện tích cây ngập mặn, cây phi lao bị chặt phá là diện tích cây tái sinh tự nhiên, chưa thành rừng, chưa có hồ sơ khoanh nuôi tái sinh nên chưa được cập nhật vào số liệu hiện trạng rừng để quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nam Định đã có công văn phúc đáp Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, về việc xác định diện tích rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy do liên quan đến bắt quả tang một vụ hút cát, cải tạo bãi và chặt phá cây.

Xác minh nguồn gốc đất và cây bị chặt phá ở Vườn quốc gia Xuân Thủy - 1

Nhiều cây ngập mặn tại khu vực Cồn Lu nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy, bị chặt hạ (Ảnh: M.C).

Sở NN&PTNT Nam Định cho biết, đến ngày 23/8, tại đây có 6.804 m2 đất có cây ngập mặn, cây phi lao tái sinh tự nhiên bị chặt phá (trong đó có khoảng 500 cây ngập mặn và 130 cây phi lao);  5.605 m2 đất bãi bồi đã bị tự ý cải tạo. Toàn bộ diện tích trên thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Theo Sở NN&PTNT Nam Định, diện tích cây ngập mặn, cây phi lao bị chặt phá là diện tích cây tái sinh tự nhiên, chưa thành rừng, chưa có hồ sơ khoanh nuôi tái sinh nên chưa được cập nhật vào số liệu hiện trạng rừng để theo dõi, quản lý. Do vậy, số liệu trên chưa được coi là diện tích rừng đặc dụng.

Đối với các nội dung đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an huyện Giao Thủy, Sở NN&PTNT nêu ý kiến, việc xác định mục đích sử dụng các loại đất đề nghị cơ quan điều tra nghiên cứu các căn cứ theo quy định thuộc lĩnh vực đất đai để xử lý.

Xác minh nguồn gốc đất và cây bị chặt phá ở Vườn quốc gia Xuân Thủy - 2

Một chiếc chòi mới mọc lên tại khu vực Cồn Lu (Ảnh: M.C).

Dẫn lại quyết định của Thủ tướng về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy, với tổng diện tích là 7.100 ha, (trong đó có 3.100 ha đất nổi và 4.000ha đất ngập nước); quyết định của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt khối lượng kiểm kê rừng năm 2015, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định khẳng định: "Diện tích đất nơi có cây ngập mặn, cây phi lao bị chặt phá và diện tích đất bãi bồi nơi bị tự ý cải tạo là thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy và do Vườn quốc gia Xuân Thủy quản lý".

Trước đó, vào ngày 22/8, tại khu vực Cồn Lu thuộc địa phận xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của Vườn, UBND xã Giao Lạc, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải và Đồn Biên phòng Ba Lạt đã phát hiện 50 cây mắm bị chặt phá, diện tích khoảng 240m2. Tại đây, nhiều cọc tre có dây căng ngang khu vực cồn cát với chiều dài khoảng 100m, một chiếc chòi canh mới được dựng, xuất hiện 9 cột bê tông cao khoảng 4-5m.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện một máy hút cát không hoạt động, không có người trông giữ, có hố hút cát mới rộng khoảng 50m, sâu khoảng 2m. Tiếp tục kiểm tra về hướng xã Giao Xuân, đoàn phát hiện hố hút cát rộng khoảng 500m, sâu khoảng 1,5m, có 2 máy hút cát không có người trông giữ...

Đặc biệt, vị trí xuất hiện vi phạm này là nơi cách đây hơn 2 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện ông N.V.P. (50 tuổi, trú thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) tự ý thuê người, huy động máy móc hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xác minh nguồn gốc đất và cây bị chặt phá ở Vườn quốc gia Xuân Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO