Xa quê 30 năm, nhưng không Tết nào 'cô gái Hà Nội' quên gói bánh chưng

24/01/2020 07:00

Điều chị Lan Anh mừng hơn cả là Tết năm ngoái, sau nhiều năm chỉ biết ăn bánh chưng và khen ngon, hay chê… cô con gái mang hai dòng máu Việt - Nhật của chị đã lần đầu tiên thổ lộ với mẹ “con cũng muốn gói thử”.

Không còn cảm giác nhớ quê da diết mỗi khi Tết đến như nhiều người mới dời quê hương, chị Phạm Lan Anh - người Việt lấy chồng Nhật và đang sinh sống tại xứ sở hoa Anh Đào đã hơn 30 lại có cách đón Tết rất đặc biệt.

Lần duy nhất chị về Việt Nam ăn Tết là khi các con còn nhỏ. Sau đó, dù rất muốn về Việt Nam ăn Tết nhưng do công việc của cả hai vợ chồng, do lịch học của các con nên đến nay đã 29 năm, chị Lan Anh đều phải đón Tết Việt trên đất Nhật.

“Không được trở về quê hương để được đi chợ Tết, được sắm hoa đào, quất nhưng ở đây, tôi cố giữ truyền thống và không năm nào xao nhãng "việc Tết". Năm nào cũng phải có tối thiểu cái bánh chưng, món canh măng, cây giò xào và đĩa xôi gấc”, chị Lan Anh kể.

Ban đầu, chị làm những món này một phần vì nhớ món ăn ngày Tết, điều quan trọng hơn chị muốn các con còn biết về văn hóa Tết của quê mẹ Việt Nam ngoài những truyền thống văn hóa Tết của Nhật.

Tết cũ trôi qua, tết mới lại đến, thời gian đắp đổi, những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò xào, canh măng đã trở thành món ăn không thể thiếu với các con nhà chị Lan Anh mỗi dịp Tết đến.

Nhớ lại những ngày đầu chuẩn bị Tết ở Nhật, chị Lan Anh vẫn không khỏi bồi hồi. Chị kể, những năm đầu tiên khi mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, bạn bè còn ít, chị đã dành ra một khoản tiền khá lớn (so với tiền Việt Nam) để mua lá chuối, gạo, đỗ rồi hì hục một mình gói cả chục đồng bánh chưng cho đỡ nhớ nhà.

Mâm cơm Tết nhà chị Phạm Lan Anh tại Nhật Bản.

“Sau này dần dần người Việt Nam ở Nhật Bản cũng nhiều lên. Bạn bè cũng có chồng là người Nhật cũng tăng lên. Mỗi dịp Tết đến là cộng đồng người Việt lại ý ới nhau rồi tổ chức gói bánh chưng cho đỡ nhớ quê nhà. Có những người dù không thích ăn bánh chưng nhưng năm nào cũng tích cực thúc giục cộng đồng tụ tập để gói bánh”, chị Lan Anh kể lại.

Theo chị Lan Anh, mọi người dù xa quê nhưng trong thẳm sâu mỗi người Việt vẫn luôn nhớ về quê hương, đất nước. Ở đó là gia đình, là bạn bè, là quê hương và là đất nước. Vì thế, rủ nhau gói bánh chưng cũng chỉ để được sống lại ký ức đón Tết nơi quê nhà, rồi cùng cắm hoa, làm các món ăn ngày Tết... âu cho không quên phong tục.

“Có gì đâu, cái không khí rộn ràng, rửa lá dong, đãi đậu, cùng nhau gói bánh; ý ới gọi nhau trông nồi bánh khi cái mùi lá bánh chưng luộc ngai ngái cùng không khí rộn ràng khiến những người con xa quê như chúng tôi luôn cảm thấy nao lòng.

Cùng với sự giao lưu văn hóa theo cùng sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước, món ăn Việt Nam như nem rán, phở, bánh xèo… cũng đã ngày càng đi sâu vào thực đơn của nhiều nhà hàng ở Nhật Bản.

Cô con gái chị Lan Anh háo hức học gói bánh chưng từ mẹ.

Điều chị Lan Anh mừng hơn cả là Tết năm ngoái, sau nhiều năm chỉ biết ăn bánh chưng và khen ngon, hay chê… cô con gái mang hai dòng máu Việt - Nhật của chị lần đầu tiên thổ lộ “con cũng muốn gói thử”.

“Nghe mà như không thể tin được vào tai mình. Tôi quýnh quáng vội vàng chuẩn bị gói bánh vào ngày nghỉ ngay sau đó, dù còn những hơn 1 tuần nữa mới đến Tết.

Và có lẽ do có kinh nghiệm nhiều năm bóc bánh và ăn bánh, nay chỉ cần mẹ hướng dẫn một lần, con gái tôi sau một hồi loay hoay cũng đã cho ra “một tác phẩm”.

Chiếc bánh vuông thành sắc cạnh, chắc tay đến mức mẹ phải ngắm đi ngắm lại mãi. Con gái vui một, tôi vui mười”, chị Lan Anh rưng rưng kể lại.

Văn hóa Việt đã được cô gái mang 2 dòng máu Nhật - Việt tiếp nhận một cách tự nhiên.

Năm nay, Tết đang gõ cửa từng nhà. Lại một năm nữa chị Lan Anh lỡ hẹn với không khí Tết ở Hà Nội. Tuy nhiên, cái mùi măng khô ngâm mềm đang luộc trên bếp, quyện với mùi nồng nồng của bánh chưng gói lá dong khiến cho mùa đông Nhật Bản của gia chị dường như ấm hẳn lên trong mắt người đàn bà đã ngoài 50.

N. Huyền
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xa quê 30 năm, nhưng không Tết nào 'cô gái Hà Nội' quên gói bánh chưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO