Khi cây phượng bỗng trở thành… tội đồ

Thanh Thanh| 03/06/2020 13:24

Việt BáoNhững ngày gần đây, hình ảnh cây phượng bị ‘trảm’ không thương tiếc khiến nhiều người phải nuối tiếc. Có phải chúng ta không còn cách nào khác để đảm bảo an toàn cho trẻ ngoài việc chặt bỏ những cây xanh có giá trị trong việc tỏa bóng mát cũng như biểu tượng tinh thần của mái trường?

Tạm biệt hoa phượng

Câu chuyện buồn về cái chết đầy tức tưởi của một học sinh tại trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) khi bị cây phượng bật gốc đè lên không khỏi khiến người ta đau lòng, xót xa. Vậy là, có một bạn học không bao giờ tan học từ buổi sáng hôm đó và ra đi mãi không về.

Với bao thế hệ học sinh, có lẽ phượng vỹ là loài cây gắn với biết bao kỷ niệm, vui buồn của học trò. Thời đi học, có cô cậu học trò nào không một lần bẻ cành hoa phượng để trang trí lớp học, để ép cánh phượng trong trang vở trắng tinh, thậm chí là để...vụt nhau.
Khi cây phượng bỗng trở nên nguy hiểm cho trẻ...

Với thế hệ 7X chúng tôi, phượng là loài cây có gì đó rất thiêng liêng khi nó báo hiệu mùa thi, mùa chúng tôi chia ly nhau để về nghỉ hè, mùa hè với chùm phượng vỹ rực lửa và tiếng ve kêu là ký ức tuổi học trò mấy ai quên.

Còn giờ đây, sau vụ phượng vỹ bật gốc khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương ở TP.HCM thì phượng vỹ bỗng thành nỗi ám ảnh của tất cả các trường. Đau lòng hơn cả là sau tai nạn đáng tiếc ở TP.HCM, nhiều trường học trên cả nước đồng loạt chặt bỏ tất cả những cây phượng vỹ để đề phòng tai nạn đáng tiếc.

Điển hình như trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột ) cũng đồng loạt chặt tất cả cây phượng. Bà Huỳnh Bích Hà – hiệu trưởng nhà trường giải thích rằng: “Báo chí thông tin rồi, cây phượng ở TP.HCM đang xanh tươi, cành lá um tùm nhưng cũng bật gốc, gây tai nạn. Ở Đắk Lắk, cũng có việc phượng bị bật gốc, rất may không thiệt hại về người. Bây giờ, ở trường có cây phượng nào là tôi cho xử lý hết. Nếu cây đổ, gây tai nạn thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm về sự an toàn đối với học sinh và cán bộ trong nhà trường là của người đứng đầu. Trường của tôi chỉ cắt tỉa, hạ độ cao của cây chứ không chặt hết. Đây là công việc thường niên của nhà trường, bây giờ hơi nắng, hơi xấu tí, nhưng chỉ trong thời gian ngắn phượng sẽ ra chồi, tươi tốt trở lại”.
...thì giải pháp nhanh gọn lẹ là chặt bỏ?

Tuy nhiên không biết đến khi nào những cây phượng mới đâm chồi, nảy lộc tốt tươi? Cây xanh tại sân trường rất cần thiết để tạo cho học sinh một không gian tràn bóng mát trong giờ ra chơi, nếu chặt hết những cây xanh trong sân trường chẳng phải trơ trụi còn toàn nắng và bụi?

Theo ông Trần Viết Mỹ, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp TPHCM, cây phượng vốn dĩ là loại cây khá an toàn. Cây phượng là cây rễ cọc, thân gỗ khá chắc chắn, tán cây rộng cho bóng mát nhưng tuổi thọ không quá cao. Vấn đề còn lại là sân trường thường lát xi măng nên hạn chế hoạt động của bộ rễ dẫn đến nguy cơ đổ.

Vì thế, thay vì chặt hạ toàn bộ, các trường nên dành một khoảng đất phù hợp để cây phát triển đồng thời thường xuyên tỉa cành, mé nhánh. Việc đốn hạ toàn bộ khi có tai nạn xảy ra khác nào mất bò mới lo làm chuồng.


Đó là chưa kể, việc chặt phá hết cây đi để tránh hai chữ “trách nhiệm người đứng đầu” mà chưa có đánh giá của chuyên gia về cây xanh thì quả là việc làm quá đáng tiếc và có phần cực đoan.
Những hình ảnh này sẽ khiến nhiều người nhói tim, xót xa

Rồi mai đây sân trường sẽ chỉ là nền sân bê tông hóa với ánh nắng chói chang bao phủ chứ đâu còn những giờ ra chơi đầy bóng mát và tiếng cười trong những ngày hè oi ả? Nếu thực sự vì học sinh mong các trường hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia về cây trồng thực hiện cắt tỉa thường xuyên.

Nếu được như vậy, các học sinh thân yêu sẽ vẫn được vui chơi an toàn dưới bóng mát của những cây xanh, vẫn sẽ còn những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ ngày hè và đó sẽ là những năm tháng của tuổi học trò đáng yêu nhất trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi cây phượng bỗng trở thành… tội đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO