Bình Định: Cảnh báo nguy cơ cháy tàu

09/08/2020 10:05

Dù số vụ cháy, nổ liên quan đến phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh xảy ra không nhiều nhưng đều gây thiệt hại lớn về tài sản. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra nguồn nhiệt và phải có người trên tàu, thuyền là khuyến cáo của ngành chức năng đối với các chủ tàu, thuyền để hạn chế thiệt hại cháy, nổ.

Lực lượng chức năng đang tiếp cận dập lửa tránh tình trạng cháy lan các tàu, thuyền khác đang neo đậu tại cảng cá  Quy Nhơn.
Mới đây, tàu cá mang số hiệu BĐ 91342-TS (công suất hơn 90 CV) của ông T.V.T. (ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn thì bất ngờ bốc cháy. Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC đã điều phương tiện chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, cảnh sát nhanh chóng đến hiện trường. Tuy nhiên, do tàu cá nằm ngoài xa nên công tác tiếp cận, dập tắt đám cháy của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn nên thiệt hại về tài sản do cháy ở mức cao.
Trước đó, ông M.V.B. (TX Hoài Nhơn) cũng bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng vì tàu cá cũng bị cháy rụi trong lúc neo đậu tại cảng cá Tam Quan.
Đại tá Võ Quang Cát, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC& CNCH, CA tỉnh, phân tích: “Tình trạng cháy tàu cá trên địa bàn tỉnh xảy ra không nhiều, nhưng thiệt hại ở mỗi vụ cháy luôn ở tiền tỷ. Các tàu đánh bắt xa bờ đi dài ngày thường trữ một lượng lớn các chất dễ cháy như xăng, dầu, gas, ngư lưới cụ.
Ngoài ra, một số khu vực trên tàu rất dễ tạo thành môi trường cháy, nổ nguy hiểm như: Hầm máy, bếp, chỗ để ngư cụ. Trong khi đó, diện tích của hầm máy, khoang tàu nhỏ nên đám cháy diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, tàu, thuyền... di chuyển, neo đậu trên sông, ven bờ luôn là nơi có gió, không bị che chắn nên khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ lan nhanh, dễ mất kiểm soát và gây cháy lớn, cháy lan”.
Qua công tác điều tra, nguyên nhân chính của các vụ cháy, nổ tàu, thuyền xảy ra trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là do người hoạt động trên tàu còn thiếu kiến thức về an toàn PCCC và chủ quan trong phòng chống cháy, nổ. Cụ thể là hút thuốc, thắp nhang, nấu ăn gần các nơi dễ cháy, nổ, chứa nhiên liệu; không cử người trực trên tàu... Không chỉ vậy, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa đầu tư, bảo dưỡng tốt các phương tiện PCCC cũng như trang bị máy bơm, bình chữa cháy mini.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ một tàu cá vỏ gỗ công suất 90CV đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Trên tàu tôi cũng trang bị bình chữa cháy mini, nhưng ít khi kiểm tra, máy bơm thì đang bị hỏng. Còn việc trang bị bình gas, bình ắc quy và đấu nối các thiết bị điện trên tàu là không thể thiếu, vì nhu cầu sử dụng thuận tiện hằng ngày. Biết là việc đấu nối nguồn điện và sử dụng lửa chưa đảm bảo an toàn; do đó, tôi sẽ cố gắng thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng”.
Cái khó của công tác chữa cháy đối với các phương tiện thủy là cháy ngoài khơi nên việc chữa cháy gặp khó khăn; còn đối với những vụ cháy ngay bờ, khó khăn cũng không kém vì các tàu đậu san sát nhau, nguy cơ cháy lan rất dễ xảy ra. Do đó, đại tá Cát khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn về nguồn điện, lửa, phải chủ động kiểm tra để kịp phát hiện nguy cơ cháy tại hệ thống điện của bình ắc quy, hệ thống điện trên tàu và nguồn lửa, nguồn nhiệt nấu ăn.
Đồng thời, cần trang bị các phương tiện chữa cháy cần thiết để kịp sử dụng khi xảy ra sự cố cháy. Khi tàu, thuyền neo đậu cần có người trông coi và tắt các nguồn điện, ngắt các thiết bị điện kết nối với bình ắc quy, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt nhất là trong việc thắp nhang thờ cúng. Bởi, sự cố cháy, nổ trên các phương tiện thủy thường xảy ra rất nhanh nên ngay cả khi các phương tiện khác ở gần đó thấy, cũng rất khó tiếp cận và hỗ trợ chữa cháy. Vì vậy, nhân viên, thuyền viên cần phải tăng cường cảnh giác nguy cơ cháy, nổ, chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn PCCC&CNCH trong quá trình làm việc để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cảnh báo nguy cơ cháy tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO