Cụ thể, số ca mắc được phát hiện giảm 19% so với 7 ngày trước đó và số ca tử vong tăng 4%.
Theo ghi nhận trong bản tin hàng tuần, từ ngày 7-13/2, “số ca mắc Covid-19 mới giảm 19% so với tuần trước”. WHO đã nhận được báo cáo về sự lây nhiễm của 16.097.642 người và 74.494 trường hợp tử vong, cao hơn 4% so với 7 ngày trước đó.
Bên cạnh đó, số mắc mới tăng so với tuần trước (31/1-6/2) được ghi nhận ở khu vực Tây Thái Bình Dương (tăng 19%). Đồng thời, theo WHO, tỷ lệ mắc mới đã giảm ở 5 khu vực khác, trong đó sự sụt giảm đặc biệt đáng kể được ghi nhận ở Đông Nam Á (37%), châu Mỹ (32%) và châu Phi (30%). Tại châu Âu, nơi chiếm 60% tổng số ca mắc mới trên thế giới trong một tuần, con số này đã giảm 16%. Tỷ lệ tử vong tăng ở Đông Địa Trung Hải (38%), Tây Thái Bình Dương (27%), châu Phi (14%), châu Mỹ (5%) và châu Âu (1%), trong khi tỷ lệ này giảm 9% ở Đông Nam Á.
Theo WHO số ca tử vong do Covid-19 tăng 4% trong một tuần. (Ảnh: RIA) |
Cũng theo WHO, Nga báo cáo số ca mắc Covid-19 lớn nhất trong một tuần (1.323.391). Tiếp theo là Đức (1.322.071), Mỹ (1.237.530), Brazil (1.009.678) và Pháp (979.228). Tuy nhiên, Mỹ có nhiều người tử vong nhất trong 7 ngày qua (17.225). Tiếp theo là Ấn Độ (6.686), Brazil (6.658), Nga (4.834) và Mexico (2.530).
Hôm 15/2, Văn phòng Tổ chức Y Tế Thế giới tại châu Âu cảnh báo, số ca mắc Covid-19 mới đã tăng gấp đôi tại các nước như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Nga và Ukraine trong tuần qua.
Theo tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, đúng như dự đoán của tổ chức này làn sóng lây nhiễm Omicron đang di chuyển về phía Đông, với việc 10 quốc gia ở khu vực Đông Âu ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng nhanh.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu, trong đó có Czech và Ba Lan, đã thông báo khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế ngừa Covid-19 vào tháng tới nếu ca mắc mới Covid-19 tiếp tục xu hướng giảm.
Ông Kluge cũng khẳng định vắc xin Covid-19 là công cụ phòng ngừa tốt nhất ở thời điểm hiện nay, giúp chống lại bệnh chuyển nặng cũng như giảm nguy cơ tử vong ở người mắc. Ở điểm này, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin tại nhiều nước Đông Âu còn thấp. Cụ thể, chưa đầy 40% số người trên 60 tuổi tại Bosnia - Herzegovina, Bulgaria, Kyrgyzstan, Ukraine và Uzbekistan tiêm đủ liều cơ bản.
Do đó, ông kêu gọi các chính phủ, giới chức y tế, các đối tác liên quan xem xét kỹ lưỡng các lý do ảnh hưởng đến nhu cầu vaccine cũng như việc tiêm vắc xin tại khu vực này, đồng thời đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng vắc xin.
Theo chuyên gia của WHO, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron vẫn đang hiện hữu, trong khi biến thể Delta vẫn lây lan mạnh, hiện không phải là thời điểm dỡ bỏ các biện pháp được cho là hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trong đó có đeo khẩu trang trong không gian kín.
Thanh Bình (lược dịch)