Theo WHO virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang tiếp tục lây lan. |
WHO cảnh báo virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục lây lan và sẽ có thêm nhiều nước khác báo cáo các trường hợp mắc bệnh này. Đáng chú ý, ở một số quốc gia, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận mới đây không có tiếp xúc gần với người mắc bệnh, cho thấy virus đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian.
Theo WHO, mặc dù hiện nay nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng vẫn ở mức thấp, nhưng nguy cơ có thể gia tăng nếu virus gây bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh ở những quốc gia chưa từng ghi nhận bệnh này. Ở cấp độ toàn cầu, WHO đánh giá nguy cơ ở mức trung bình do đây là lần đầu tiên ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ và ổ dịch đậu mùa khỉ ở những nước coi đây là bệnh đặc hữu cũng như những nước không coi đây là bệnh đặc hữu.
Theo WHO, ở những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, ở những nước mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, nước Anh ghi nhận số ca mắc đậu mùa khỉ cao nhất, với 207 ca. Tiếp đến là Tây Ban Nha (156 ca), Bồ Đào Nha (138 ca), Canada (58 ca) và Đức (57 ca). Ngoài các nước châu Âu và Bắc Mỹ, virus gây bệnh đậu mùa khỉ cũng đã lan ra các nước hiếm khi xuất hiện căn bệnh này gồm Argentina, Australia, Maroc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), mỗi nước ghi nhận dưới 10 ca mắc. Ở những nước mà bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh đặc hữu, chỉ một ca mắc bệnh cũng được coi là bùng phát ổ dịch.
Các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Cameroon, Trung Phi, CH Congo-Brazzaville, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d'Ivoire và Ghana - nơi mới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ ở động vật. Trong số 7 quốc gia đầu tiên được liệt kê, 66 ca tử vong do mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2022.
Tuần trước, WHO đã triệu tập cuộc họp trực tuyến với hơn 500 chuyên gia và 2.000 người tham gia thảo luận, chia sẻ các kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ cũng như các ưu tiên nghiên cứu. Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ và phương pháp điều trị, cũng như nghiên cứu về dịch tễ học và sự lây truyền của virus gây bệnh.