RIA Novosti dẫn báo cáo được công bố trên trang web của WHO cho hay: “Dựa trên tình hình hiện tại, bao gồm số vụ bùng phát dịch tả ngày càng tăng và mở rộng khu vực địa lý, cũng như thiếu vắc xin và các nguồn lực khác, WHO đánh giá rủi ro dịch tả lây lan ở cấp độ toàn cầu là rất cao”.
Theo WHO, kể từ khi tin tức bùng phát mới nhất về tình hình dịch tả toàn cầu được công bố vào ngày 11/2/2023, tình hình toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, với 4 quốc gia mới báo cáo các đợt bùng phát.
“Có tổng cộng 24 quốc gia hiện đang báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh”, WHO cho biết.
Dữ liệu do WHO công bố cho thấy phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch tả là ở châu Phi và Trung Đông.
Trước đó, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tác động của biến đổi khí hậu khiến bệnh tả trở nên tồi tệ hơn.
Theo các chuyên gia, vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ y tế của nhiều quốc gia bị quá tải bởi các ca nhiễm Covid-19.
Dịch tả là một căn bệnh nghiêm trọng mắc phải do ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Bệnh tả có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị. Theo số liệu từ WHO, khoảng 143.000 người chết vì căn bệnh này trên toàn cầu mỗi năm.
Thanh Thảo