Hình ảnh hiển vi điện tử quét màu của các hạt virus Marburg (màu xanh lam) dính vào bề mặt của các tế bào VERO E6 bị nhiễm bệnh (màu xanh lá) (Ảnh: Getty Images). |
Được biết, đây là lần đầu tiên virus Marburg được tìm thấy ở quốc gia Tây Phi và là lần thứ hai nó xuất hiện trong khu vực.
Trong một văn bản công bố ngày 17/7, WHO cho biết các mẫu máu xét nghiệm của hai người tử vong tại vùng Ashanti phía Nam Ghana dương tính với virus Marburg. Cả hai bệnh nhân đều có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn và tử vong trong vòng một ngày sau khi nhập viện hồi cuối tháng Sáu. Một bệnh nhân 26 tuổi, người còn lại 51 tuổi.
Hiện ít nhất 90 người khác tiếp xúc với hai bệnh nhân đã được nhận diện và chịu sự theo dõi của giới chức y tế địa phương cũng như WHO. Cơ quan y tế toàn cầu cho biết họ cũng đang hỗ trợ Ghana, cũng cấp thiết bị bảo hộ, tăng cường giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, truy tìm những người tiếp xúc và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và nguy hiểm của căn bệnh này.
“Giới chức y tế đã phản ứng nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này là cần thiết bởi nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, tuyên bố.
Virus Marburg được WHO mô tả là một bệnh sốt xuất huyết do virus có khả năng lây nhiễm cao tương tự như virus Ebola gây ra. Bệnh có thể được truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh như dơi ăn quả và lây lan trong cộng đồng khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của bệnh nhân hoặc virus trên bề mặt, vật liệu.
Bệnh khởi phát đột ngột, với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và cơ thể khó chịu. Nhiều bệnh nhân có thể bị xuất huyết nặng bên trong hoặc bên ngoài trong vòng 7 ngày sau khi nhiễm virus.
“Do đó, người dân tránh những hang động có dơi sinh sống và nấu chín kỹ tất cả các sản phẩm thịt trước khi ăn”, cơ quan y tế Ghana khuyến cáo.
Trong khi tỷ lệ tử vong của loại bệnh bệnh đã dao động từ 24% đến 88% tùy thuộc vào chủng virus trong các đợt bùng phát trước đây, hiện vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus chính thức cho căn bệnh này. Các bác sĩ chỉ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ như bù nước bằng đường uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch, điều trị theo triệu chứng để tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.
Theo WHO, đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên ghi nhận tại Đức vào năm 1967. Kể từ đó, các đợt bùng phát tiếp theo và ca bệnh lẻ tẻ đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Đợt bùng phát dịch bệnh chết người nhất cho đến nay là ở Angola vào năm 2005, khi trên 200 người tử vong sau khi mắc bệnh.