Tranh Lê Phổ giá 2,3 triệu USD: "Tân á quân" trong cuộc đua về giá của hội họa Việt
Trước đây, bức "Khỏa thân" được danh họa Lê Phổ thực hiện hồi năm 1931 là tác phẩm đắt giá nhất trong gia tài mỹ thuật mà ông để lại. Bức tranh sơn dầu từng được nhà đấu giá Christie Hồng Kông bán ra ngày 26/5/2019 với mức giá 10.925.000 đô la Hồng Kông (tương đương 32 tỷ đồng).
Mới đây nhất, bức "Figures in a garden" (Những dáng hình trong khu vườn) của Lê Phổ vừa được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra trong cuộc đấu giá "Modern Evening Auction" tổ chức vào tối ngày 27/4.
Bức tranh sơn dầu ba tấm có kích thước 175 x 69,5 cm mỗi tấm, tổng ba tấm có kích thước 175 x 209,5 cm. Tác phẩm đạt mức giá 17.920.000 đô la Hồng Kông, tương đương 2,3 triệu đô la Mỹ, hay 52,5 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục mới về giá được trả cho tranh Lê Phổ.
Theo thông tin mà nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông đưa ra, đây là bức tranh lớn nhất và là tác phẩm được thực hiện theo kiểu bộ ba tấm duy nhất trong kho tàng mỹ thuật của Lê Phổ, mà thị trường mỹ thuật biết đến tính tới thời điểm này.
Những yếu tố độc đáo riêng có đã góp phần giúp tác phẩm "Figures in a garden" đạt được mức giá kỷ lục mới đối với tranh Lê Phổ. Như vậy, hiện tại, bức "Figures in a garden" (Những dáng hình trong khu vườn) đang nắm giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các tác phẩm đắt giá nhất của hội họa Việt từng xuất hiện tại các cuộc đấu giá công khai.
Bức đắt giá đầu bảng hiện vẫn là "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4/2021. Khi ấy, bức tranh sơn dầu được thực hiện vào năm 1930 đã đạt mức giá 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 71,5 tỷ đồng).
Bức "Những dáng hình trong khu vườn" của Lê Phổ miêu tả hình ảnh ba người phụ nữ mặc áo dài đang ở trong một khu vườn với ba đứa trẻ. Những màu sắc trong tranh rất tươi tắn. Các nhân vật và cỏ cây, hoa lá trong tranh đều như được đắm mình trong ánh nắng vàng rực rỡ.
Thời gian chính xác khi danh họa thực hiện bức vẽ này không được xác định, dù vậy, giới chuyên môn tin rằng tác phẩm được thực hiện khi họa sĩ vẫn đang ở trong giai đoạn đỉnh cao sáng tạo.
Mỗi tấm trong bộ ba tấm tranh ghép đều có thể tách riêng để trở thành một tác phẩm độc lập, nhưng khi đặt ba tấm cạnh nhau sẽ tạo nên một tổng thể tác phẩm ấn tượng và hài hòa, cảnh dịch chuyển từ tấm này sang tấm khác một cách nhẹ nhàng.
Người phụ nữ Việt trong tranh Lê Phổ
Chủ đề về phụ nữ Việt là một đề tài rất quen thuộc trong tranh Lê Phổ (1907 - 2001). Hình ảnh người phụ nữ Việt mặc áo dài là một hình ảnh trở đi trở lại trong tranh Lê Phổ, đó là nguồn cảm hứng bất tận của ông. Những ký ức về quê hương đưa lại cho ông nguồn cảm hứng bất tận.
Qua các bức họa của mình, Lê Phổ thể hiện rõ niềm nhớ thương quê hương trong những năm tháng sinh sống ở nước ngoài, trong đó, hình ảnh người phụ nữ Việt xuất hiện trở đi trở lại trong tranh ông.
Tại Pháp - nơi Lê Phổ sinh sống và làm việc sau khi rời xa quê hương, vị danh họa đã sớm được biết tới từ đầu thập niên 1930, khi những tác phẩm đầu tiên của ông được đem trưng bày triển lãm tại đây, công chúng Pháp đã đón nhận tài năng hội họa của ông một cách nồng nhiệt.
Dù ra nước ngoài sinh sống, nhưng Lê Phổ vẫn luôn nặng lòng với quê hương, đó là điều khiến người yêu hội họa Việt càng trân trọng Lê Phổ.
Giới chuyên môn tin rằng Lê Phổ thường khắc họa người phụ nữ Việt nhưng ông lồng ghép tâm tư của mình vào nhân vật, tranh của Lê Phổ chứa nhiều ý tứ, tâm tư của tác giả. Trong tranh ông, người phụ nữ luôn đẹp trang nhã, thuần khiết, chân thành. Ông luôn khắc họa những hình dung đẹp nhất về người phụ nữ, để qua đó thể hiện niềm yêu mến, lòng ngưỡng mộ của chính mình.
Danh họa Lê Phổ được xem là một bậc thầy trong hội họa hiện đại Việt Nam, ông theo đuổi trường phái hậu ấn tượng. Sự nghiệp hội họa của ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm đắt giá. Lê Phổ được mệnh danh là "cây đại thụ" trong làng mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1937, ông sang Pháp định cư và đã sinh sống tại Paris từ đó.
Hình ảnh người phụ nữ Việt xuất hiện ở giai đoạn đầu trong tranh ông (1934 - 1945) thường mỏng manh, trang nhã, nhẹ nhàng. Giai đoạn tiếp theo (kể từ thập niên 1950), tranh sơn dầu của danh họa Lê Phổ vẫn đặt phụ nữ là tâm điểm, nhưng có thêm những nét tự do, phóng khoáng.
Phần lớn cuộc đời mình dù định cư tại Pháp, nhưng Lê Phổ vẫn luôn nhớ về quê hương với những tình cảm sâu đậm.
Trong tranh của ông, đất nước - con người Việt Nam luôn được khắc họa rõ nét tới từng chi tiết nhỏ. Hồn Việt trong tranh ông luôn được thể hiện rất đậm đà, qua hình ảnh người phụ nữ, trẻ nhỏ và phong cảnh thiên nhiên được ông tái hiện từ trong trí nhớ nhưng luôn hiện lên rất rõ nét, rất cụ thể và thậm chí, có độ chính xác cao (chẳng hạn trong cách khắc họa các loại cây cỏ).
Có thể nói, trong số các danh họa của Việt Nam, Lê Phổ là một trường hợp hiếm hoi để lại một gia tài hội họa đồ sộ, với sức sáng tạo đáng nể xuyên suốt sự nghiệp cầm cọ, gia tài ấy vừa có giá trị lớn lao về mặt nghệ thuật vừa rất "được giá" trên thị trường mỹ thuật.
Tại các phiên đấu giá tranh của hai nhà đấu giá uy tín hàng đầu thế giới là Christie và Sotheby, tranh của danh họa Lê Phổ luôn nhận được sự quan tâm lớn từ giới sưu tầm. Qua thời gian, các bức tranh của danh họa Lê Phổ đã nhiều lần xác lập các kỷ lục về giá tại các phiên đấu giá công khai.
Trong cuộc đấu giá "Modern Evening Auction" vừa diễn ra trong ngày 27/4 do nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông tổ chức, có hai bức vẽ của Lê Phổ và ba bức vẽ của Mai Trung Thứ được đem ra rao bán, nhưng chỉ có bức "Figures in a garden" (Những dáng hình trong khu vườn) của Lê Phổ là tạo nên mức giá cao gây bất ngờ.