Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của tỷ phú khởi nghiệp từ Đông Âu - Hồ Hùng Anh vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong năm 2021 đạt hơn 23.200 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng 47% so với cùng kỳ với biên lãi thuần NIM khá lớn lên tới 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020). Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh.
Techcombank tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên tới 50,5%. Đây là một nguồn tiền giá rẻ nhưng quy mô rất lớn, giúp Techcombank gia tăng lợi nhuận.
Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank khá thấp, tới cuối 2021 chỉ ở mức 0,7% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 162,9%.
Như vậy, Techcombank (TCB) là ngân hàng tiếp theo đạt mốc lợi nhuận tỷ USD. Trong năm trước đó, Vietcombank (VCB) là ngân hàng đầu tiên đạt mốc lợi nhuận này. Còn tính chung trên thị trường còn có thêm Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và gần đây là Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng ghi nhận lợi nhuận tỷ USD.
Tin chứng khoán ngày 25/1: Lợi nhuận tỷ USD, tỷ phú Hồ Hùng Anh lập kỷ lục mới |
Năm 2019 và năm 2020, Vinhomes lãi trước thuế lần lượt 29,7 nghìn tỷ đồng và hơn 36,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó Vietcombank lãi trước thuế trên 23.000 tỷ đồng trong 2 năm này.
Trong quý III/2021, VinHomes lãi ròng gần 11.200 tỷ đồng, lũy kế đạt 27 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10 nghìn tỷ so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý III của Vinhomes công bố cho đến thời điểm hiện tại là cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết.
Ngân hàng quốc doanh Agribank cũng báo lãi hơn 14 nghìn tỷ đồng trong 2021, tăng khá mạnh so với năm trước đó. Tổng tài sản và tín dụng tăng khá cao 7-9%. VIB Bank báo lãi hơn 8 nghìn tỷ đồng, tăng 38%, trong khi MSB lãi gần 5,17 nghìn tỷ đồng, gấp đôi năm trước.
Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng gặp khó trong quý IV và có ngân hàng báo lỗ.
Ngân hàng Quốc dân (NVB) bão lỗ hơn 200 tỷ trong quý IV nhưng lũy kế cả năm vẫn lãi cho dù lợi nhuận giảm 38% so với năm trước. VietCapitalBank (BVB) cũng ghi nhận lỗ hơn 74 tỷ đồng trong quý IV do trích lập dự phòng tăng, cả năm vẫn lãi hơn 310 tỷ đồng, tăng 55% cùng kỳ.
Từ đầu năm 2022 tới nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh do kết quả kinh doanh ấn tượng và nợ xấu không xấu như lo ngại trước đó. Một số cổ phiếu ngân hàng được hỗ trợ bởi câu chuyện chia cổ tức và tăng vốn, phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 25/1
Thị trường chứng khoán sôi động nhưng giá giảm mạnh do áp lực bán trước Tết.
Theo Agriseco, đà hồi phục của thị trường tạm thời dừng lại khi VN-Index đóng cửa tại mốc 1.439 điểm, giảm hơn 33 điểm so với phiên cuối tuần trước. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch hơn 24.700 tỷ đồng, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và dầu khí tiếp tục thu hút được dòng tiền và trở thành lực đỡ chính khiến VN-Index thu hẹp đà giảm trong phiên. Ngược lại, lực bán tại nhóm bất động sản, xây dựng đã quay lại, nhiều mã vừa hồi phục cuối tuần trước nay đã nằm sàn. Agriseco cho rằng thị trường có thể tiếp tục giảm điểm trong các phiên sắp tới.
Còn theo BSC, VN-Index đã tiệm cận đường MA100 và khả năng cao sẽ không có đột phá trong tuần cuối năm âm lịch này. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá hoang mang vì tháng 1/2021 cũng có đợt điều chỉnh tương tự xảy ra, và VN-Index đã đảo chiều tăng sau khi test thành công đường MA100. Chỉ số có khả năng sẽ dần ổn định trong những phiên tới sau khi kiểm tra ngưỡng MA100 thành công và sẽ đảo chiều tăng giá sau khi kì nghỉ Tết Nhâm dần kết thúc.
Kết thúc phiên giao dịch 24/1, chỉ số VN-Index giảm 33,18 điểm xuống 1.439,71 điểm. HNX-Index giảm 17,08 điểm xuống 400,76 điểm. Upcom-Index giảm 3,02 điểm xuống 106,68 điểm. Thanh khoản đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, trong đó HOSE có hơn 24,5 nghìn tỷ đồng.
V. Hà