Đặc biệt, chính quyền Đàng Trong đã chủ động thực thi những phương thức hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và khai thác nguồn lợi kinh tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguồn ảnh: Nguyễn Quang Ngọc -Vũ Văn Quân.
Kế thừa những thành quả của các chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn tuy chỉ tồn tại trong một thời gian không dài, nhưng ngay trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền cũng đã có ý thức quan tâm tới chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Vua Quang Trung không chỉ chú ý xây dựng lực lượng thủy quân vững mạnh, mà vẫn tiếp tục, thường xuyên tập trung thực thi chủ quyền Biển Đông, khai thác nguồn lợi kinh tế, nhất là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào năm 1775, tức là 4 năm sau khi tiến hành khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ được một địa bàn từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận. Chính quyền Tây Sơn đã cho phép các cư dân trong địa bàn mình kiểm soát được khai thác tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các cứ liệu lịch sử hiện còn đã minh chứng nhận định trên: Trong tờ đơn bằng chữ Hán xin khôi phục lại đội Hoàng Sa của cư dân phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Hòa Nghĩa (tức Quảng Ngãi), do Cai đội là Hà Liễu viết trình lên chính quyền Tây Sơn ngày 15 tháng Giêng niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775) viết rõ: Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ, gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp.
Tờ đơn trên đã được chính quyền Tây Sơn xem xét, chuẩn y và hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ (Vũ), phường An Vĩnh, nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Nội dung tờ đơn của cư dân Cù Lao Ré đã xác định: Việc lập đội Hoàng Sa để khai thác sản vật tại các đảo biển, bổ sung thêm những cư dân bên ngoài đang sinh sống tại địa phương vào đội quân đi biển, chấp hành nộp thuế theo quy định của chính quyền. Điều quan trọng hơn cả, là những ngư dân này tình nguyện trở thành những chiến binh trên biển, để sẵn sàng chiến đấu chống bọn xâm lược lãnh thổ thiêng liêng của mình.
Bản Chỉ thị bằng chữ Hán ký vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, năm Bính Ngọ (năm 1786) của viên quan Thái phó Tổng lý Quân binh dân chư vụ Thượng tướng công hiện đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ (Vũ), phường An Vĩnh. Bản Chỉ thị cho phép: Hội Đức hầu - Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, đem 4 thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ Cù lao ngoài biển, tìm nhặt vàng, bạc, đồng và các thứ súng đại bác, súng nhỏ, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý... đều chở về Kinh, tập trung nộp theo lệ.
Bản Chỉ thị này của viên đại thần phụ trách quân đội và nhân dân càng khẳng định thêm tính pháp lý trong việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cùng các vùng biển đảo Nam Trung bộ của triều Tây Sơn. Các đội Hoàng Sa được đặt ra thời các chúa Nguyễn vẫn được duy trì và hoạt động dưới triều Tây Sơn. Đội Hoàng Sa hoạt động liên tục từ thế kỷ 17 đầu thời chúa Nguyễn đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết.
Ngoài ra, còn phát hiện bản Ngự phê của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc vào bản dâng tâu của xã An Vĩnh trình bày việc dâng nộp các loại hải sản như đồi mồi, hải ba... và xin miễn sưu dịch đã được Thánh chỉ ban thưởng vàng và bút phê ''Chuẩn cho''.
J. Barrow, phái viên người Anh, trong cuốn sách Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) đã xác nhận việc khai thác hải sản tại quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Tây Sơn: Những tàu thuyền này được dùng trong công việc buôn bán ở vùng duyên hải và đánh cá. Và những tàu thuyền thu lượm giống Trepan (hải sâm) và những tổ chim yến trong quần đảo có tên là Paracels (Hoàng Sa) thuộc nhiều loại mô tả khác nhau.
Với những tư liệu chọn lọc được đưa ra, đã chứng minh chủ quyền lãnh thổ vùng biển đảo, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng quá trình khai thác nguồn lợi kinh tế tại đây của vương triều Tây Sơn trong thế kỷ XVIII và đầu XIX.
TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam)
Theo bienphong.com.vn