Vướng cơ chế, đường sắt có 3.000 tỷ vốn bảo trì chưa tiêu được

18/01/2022 09:35

Do chưa thống nhất cơ chế giao vốn nên đến nay các công ty bảo trì đường sắt vẫn chưa thể ký hợp đồng để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022, tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2022 là 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ so với năm 2021. Trong đó, chi bảo dưỡng thường xuyên hơn 2.694 tỷ đồng.

Dù vốn đã được bố trí, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải ngân do còn vướng về cơ chế giao vốn.

Đơn vị bảo trì mong sớm được đặt hàng 

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP đường sắt Hà Thái cho biết, đơn vị đang mong sớm được Tổng công ty Đường sắt ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để có kế hoạch thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống đường sắt vận hành đảm bảo an toàn chạy tàu.

Vướng cơ chế, đường sắt có 3.000 tỷ vốn bảo trì chưa tiêu được
Chưa thống nhất cơ chế giao vốn, đường sắt mòn mỏi chờ vốn bảo trì

Ông Tâm cho hay, theo kế hoạch, công ty sẽ ký hợp đồng với Tổng công ty vào 31/12/2021 để đảm bảo nguồn kinh phí mua sắm thiết bị bảo trì và có nguồn tiền trả lương, trả bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thế nhưng đến thời điểm này Tổng công ty vẫn chưa có kế hoạch cụ thể do còn vướng mắc thống nhất cơ chế giao vốn với Bộ GTVT.

Ông Tâm chia sẻ, năm 2021, việc ký kết hợp đồng đặt hàng chậm, nên đơn vị hết sức khó khăn. Có thời điểm công ty phải nợ lương, nợ bảo hiểm, thậm chí có tình trạng người lao động phải cắm nhà, cắm xe để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động cho công ty.

Do vậy, công ty mong muốn sớm được ký hợp đồng đặt hàng để chủ động triển khai thực hiện kế hoạch.

Cùng quan điểm, ông Bùi Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty CP thông tin tín hiệu Đường sắt Hà Nội cho biết, Công ty được thành lập làm nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt. Việc chậm ký hợp đồng gây khó khăn cho kế hoạch triển khai duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn đường sắt.

Ông Sỹ chia sẻ thêm, hiện đơn vị có hơn 500 người lao động, nếu không sớm ký hợp đồng thì đơn vị không có nguồn tiền trả lương cho người lao động, nhất là với lao động kiểm tra duy tu hàng ngày ở các ga.

Hơn nữa, đơn vị cần sớm có kinh phí để mua vật tư thiết bị bảo dưỡng hạ tầng đường sắt vì trong cơ chế chính sách nhà nước không có dự phòng cho khoản này.

Chưa thống nhất phương án 

Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ ký hợp đồng là do còn có sự chưa thống nhất giữa Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt trong việc giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Bộ GTVT đề xuất giao Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt thực hiện cung cấp dịch vụ công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Tuy nhiên, Theo Tổng Công ty Đường sắt, việc Bộ GTVT giao Cục Đường sắt đặt hàng với Tổng công ty thực hiện cung cấp dịch vụ công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt  có nhiều vướng mắc, xung đột với các quy định pháp luật chuyên ngành đường sắt và thực tiễn công tác triển khai thực hiện.

Trong khi, Tổng công ty Đường sắt là đơn vị duy nhất có đủ điều kiện để tổ chức, triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu vừa tổ chức điều hành giao thông vận tải, vừa chỉ đạo thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và ít ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường sắt.

Trong trường hợp tách các công tác này để làm theo quy trình khác như năm 2021 và các năm trở về trước, dễ dẫn đến việc các nhiệm vụ chủ đầu tư sẽ do cơ quan khác ngoài Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện.

Trong khi cơ quan đó sẽ không nắm rõ thực trạng, trạng thái kỹ thuật hạ tầng đường sắt, không nắm rõ nhu cầu vận tải đường sắt và trình tự “vừa thi công vừa chạy tàu”, ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an toàn tàu…

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, để giải quyết cấp bách công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt mùa bão, lũ, đảm bảo an toàn chạy tàu, Tổng công ty đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, từ năm 2022, tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 636.

Theo đó, Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt.

Cầm sớm ký kết hợp đồng bảo trì đường sắt

Ngày 6/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải năm 2022.

Về vấn đề bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thông báo nêu rõ, tiếp tục thực hiện theo văn bản 636 đến khi Đề án quản lý, sử dụng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tổng công ty Đường sắt chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, an toàn, chính xác, đúng quy định Pháp luật.

Trước đó, Tại Hội nghị Tổng kết Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chỉ đạo, năm 2021 mãi đến tận tháng 6, tháng 7 mới ký hợp đồng thực hiện duy tu bảo trì đường sắt, do vậy năm nay cần triển khai ngay theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vũ Điệp

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/vuong-co-che-duong-sat-co-3-000-ty-von-bao-tri-chua-tieu-duoc-809564.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/vuong-co-che-duong-sat-co-3-000-ty-von-bao-tri-chua-tieu-duoc-809564.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vướng cơ chế, đường sắt có 3.000 tỷ vốn bảo trì chưa tiêu được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO