Những cá thể Cầy vòi mốc này là tang vật của một vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép đã bị Chi cục Kiểm lâm và Công an tỉnh Bắc Giang tịch thu. Số tang vật có tới 100 cá thể.
Sau khi chăm sóc, Cầy vòi mốc hoàn toàn khỏe mạnh về với môi trường tự nhiên. Ảnh: MĐ |
Đến tháng 4/2021, các cơ quan chức năng đã tiến hành bàn giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp nhận, chăm sóc tâm lý, sức khỏe. Sau một thời gian được các chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên cứu hộ đến nay, 70 cá thể đã đủ tiêu chuẩn tái thả về môi trường tự nhiên.
Anh Hoàng Văn Thái, Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (VQG Cúc Phương) cho biết: Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, có kinh nghiệm lâu năm và bề dày thành tựu trong công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận.
Đây là đợt tái thả với số lượng lớn cá thể Cầy vòi mốc - có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay. Vì, trước đây, Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng ngàn cá thể của nhiều loài khác nhau, tại rừng nguyên sinh Cúc Phương và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước.
Từ thành quả của công tác quản lý bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái. Đặc biệt là từ công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, từ tháng 3 năm 2021, Vườn quốc gia đã triển khai Tour "Về Nhà" gắn với hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ.
Mục đích cuối cùng và cao cả nhất của công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã chính là để đưa chúng trở lại thiên nhiên - nơi chúng vốn thuộc về và làm nên vẻ đẹp. Chính vì vậy, hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ luôn là một khâu công tác quan trọng và mang rất nhiều cảm xúc, hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc.