Gần 500.000 đồng/cp
Là một trong những hiện tượng lạ của thị trường chứng khoán, cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 đã có mức tăng ngoạn mục trong tháng 1/2022. Từ mức giá khoảng 50.000 đồng vào hồi tháng 1/2021, L14 đã tăng lên lên mức trên 400.000 đồng/cp vào đầu năm nay.
Trong phiên giao dịch sáng 17/1, L14 có thời điểm tăng thêm khoảng 10%, lên 479.000 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất trên TTCK Việt Nam Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Với mức trên, giá trị của L14 vượt qua các cổ phiếu có thị giá đứng đầu trên thị trường nhiều năm nay, như VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UpCOM) đang có giá 200.000 đồng/cp hay như VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE) đang có giá khoảng 250.000 đồng/cp.
Biểu đồ giá của L14 so với một số cổ phiếu khác |
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của L14 cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 56 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 15,6 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính của L14 tăng đột biến, lên mức 379 tỷ đồng, gấp hơn 97 lần so với năm 2020 đẩy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lên mức 325,6 tỷ đồng, tăng 31,47 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong lịch sử 21 năm hoạt động, thị trường đã ghi nhận những mã cổ phiếu tăng mạnh và có giá cao như cổ phiếu SJC của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà. Cổ phiếu SJS từng ghi nhận mức giá 728.000 đồng/cp vào ngày 12/1/2007.
Cổ phiếu FPT của CTCP FPT nếu chưa tính chia tách có thời điểm lên tới gần 1.000.000 đồng/cp. Cổ phiếu BMC của khoáng sản Bình Định có giá gần 850.0000 đồng/cp.
Nhiều mã có giá trên 400.000 đồng/cp như: SJS (Sudico), DHG (Dược Hậu Giang), BVS (Chứng khoán Bảo Việt), SD7 (Sông Đà), S99 (Sông Đà), HRC (Cao su Hòa Bình),...
Giảm mạnh
Hiện, trên thị trường chứng khoán chỉ có vài mã cổ phiếu có thị giá trên 200.000 đồng/cp. Mặc dù chỉ số VN-Index tăng mạnh và đã đạt đỉnh lịch sử vượt 1.500 điểm.
Một số mã có giá trị lớn có thể kể tới như VCF của Vinacafe Biên Hòa, NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, WCS của CTCP Bến xe Miền Tây,...
Nguyên nhân mức giá cổ phiếu giảm là do các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, chia tách, trả cổ tức. Bên cạnh đó, do hoạt động kinh doanh yếu kém, một số mã cổ phiếu của doanh nghiệp đã giảm tới 90%, thậm chí phá sản.
Đà giảm giá của cổ phiếu BMC |
Sau khi đạt 847.000 đồng/cp hồi tháng 5/2007, BMC của khoáng sản Bình Định tụt giảm trong nhiều năm liền. Hiện BMC chỉ còn khoảng trên 20.000 đồng/cp, bằng 1/40 lần so với giá hồi đỉnh cao. Nếu tính theo giá đã điều chỉnh (có tính tới chia tách cổ phiếu, trả cổ tức) thì BMC mất giá hơn 50%.
Tương tự, SDA của Simco Sông Đà đang có giá 23.400 đồng/cp, giảm mạnh so với đỉnh cao 350.000 đồng/cp hồi 2007.
Mã VSP của Đầu tư và vận tải Dầu khí Vinashin, từ mức giá hơn 300.000 đồng/cp, giờ chỉ 1.100 đồng/cp, không còn giao dịch, đã chuyển sang UPCOM.
Một mã khác ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros từng có mức giá 200.000 đồng/cp rồi giảm về dưới 4.000 đồng/cp.
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ phân hóa mạnh, nhiều cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới, nhưng nhiều mã sẽ trở về giá trị thật.
Ngọc Cương